Nếu Mito Hollyhock trụ hạng J.League 2 thành công, Công Phượng sẽ sang thi đấu cho CLB này ở mùa bóng 2016 theo dạng cho mượn trong vòng một năm. Đội bóng Nhật Bản sẽ trả cho HAGL 100.000 USD (hơn 2,2 tỷ đồng) phí chuyển nhượng và mức lương 3.000 USD/tháng (hơn 60 triệu đồng) đối với Công Phượng. Đây là con số không quá cao nhưng Công Phượng sẽ còn nhận thêm những khoản khác nếu thi đấu tốt.
Ông Tân Phát, người từng dẫn đoàn U19 Nhật Bản sang Việt Nam dự giải U19 quốc tế 2014 cho biết: “Ở giải J.League 2, các cầu thủ nhận lương trung bình 5.000 USD – 10.000 USD/tháng tùy vào đẳng cấp và có thường xuyên ra sân hay không. Nhưng ngoài ra, các cầu thủ còn nhận thêm những khoản tiền thưởng nếu thắng trận hoặc có tầm ảnh hưởng lớn. Với những cầu thủ nước ngoài, họ còn được CLB hỗ trợ tiền nhà ở hoặc chi phí sinh hoạt”.
|
Công Phượng được các fan của CLB Mito Hollyhock chào đón. |
Ông Tân Phát từng là du học sinh 10 năm ở Nhật Bản và có quan hệ mật thiết với các chuyên gia bóng đá xứ sở hoa anh đào, trong đó có Yoshika Matsubara – cựu tuyển thủ quốc gia, phó chủ tịch Hiệp hội cầu thủ J.League. Theo ông Phát, Công Phượng sẽ nhận đãi ngộ xứng đáng nếu nhận được nhiều sự hâm mộ, giúp đội bóng thu hút thêm CĐV, tạo được sự ảnh hưởng ở Việt Nam…
Ông dẫn chứng trường hợp của Kazuyoshi Miura, cầu thủ đang khoác áo Yokohama FC – đội bóng mà Tuấn Anh sắp đầu quân. Miura năm nay đã 48 tuổi nhưng vẫn còn thi đấu. Anh là cầu thủ rất được hâm mộ tại J.League 2, tạo được tầm ảnh hưởng lớn, gần như là biểu tượng của đội bóng. Vì thế anh nhận mức thu nhập lên đến gần 1 triệu USD/năm.
So với các đồng nghiệp trẻ có tiếng của Nhật Bản, mức lương của Công Phượng không quá thấp. Theo thống kê của ban tổ chức J.League, Ryosuke Yamanaka (Kashiwa Reysol, J.League 1) nhận mức lương 58.408 USD/năm (hơn 4.800 USD/tháng). Cầu thủ chạy cánh trái này từng khoác áo U23 Nhật Bản thi đấu với U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á vừa qua.
|
Ông Tân Phát (trái) từng tháp tùng Matsubara khi cựu danh thủ nổi tiếng sang Việt Nam. |
Trước Công Phượng và Tuấn Anh, Lê Công Vinh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản thi đấu. Anh khoác áo Consodale Sapporo theo dạng cho mượn trong 5 tháng cuối năm 2013, nhận mức lương 7.000 USD/tháng. Ông Tân Phát chỉ ra điểm khác biệt xung quanh những thương vụ này.
“Hai đội bóng chiêu mộ Công Phượng, Tuấn Anh đơn thuần vì lý do chuyên môn. Họ theo sát hai cầu thủ từ vài năm qua. Còn thương vụ Công Vinh có yếu tố kinh tế trong đó. Nhưng về chuyên môn, phía Nhật Bản vẫn đánh giá Vinh hơn Phượng nhờ yếu tố kinh nghiệm. Điểm yếu của Công Phượng là đôi lúc còn chơi rườm rà, lạm dụng kỹ thuật cá nhân quá mức”, ông Tân Phát nói.
Ngoài Công Phượng và Tuấn Anh, các chuyên gia bóng đá Nhật Bản đánh giá rất cao Nguyễn Phong Hồng Duy, đặc biệt về khả năng chơi bóng. Cầu thủ chạy cánh trái này có thể là người tiếp theo sang Nhật Bản thi đấu.
Về hợp đồng thi đấu của Công Phượng với CLB Mito Hollyhock, một nguồn tin cho biết, vào tháng 12, các bên liên quan sẽ chính thức ký kết.
"Ở giải J.League 2, các cầu thủ nhận lương trung bình 5.000 USD – 10.000 USD/tháng tùy vào đẳng cấp và có thường xuyên ra sân hay không", ông Tân Phát, người từng dẫn đoàn U19 Nhật Bản sang Việt Nam dự giải U19 quốc tế 2014 và có quan hệ mật thiết với các chuyên gia bóng đá xứ sở hoa anh đào, cho biết.
Theo Zing News