Đầu tháng 3 tới, HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ chính thức ngồi vào ‘ghế nóng’ ở đội tuyển Việt Nam. Đây được coi là bước đi có nhiều tiến bộ của VFF, bởi viễn cảnh một nhà cầm quân nội có thực lực lên nắm quyền, lâu nay đã là mong ước của phần đông người hâm mộ.
Khó khăn đang chờ đợi Hữu Thắng. Song, đó chắc chắn là kết cục tất yếu khó tránh khỏi. Ở một phương diện khác, chiến lược gia gốc Hà Tĩnh cũng được đặt nhiều kỳ vọng. Và chúng ta tự hỏi, so với người tiền nhiệm Miura, người đàn ông này có gì điều gì hơn?
Chất thép của riêng Hữu Thắng
Sau thời của HLV Calisto, hầu hết các vị thuyền trưởng ở tuyển đều được xếp vào hàng “lành tính”. Nói không ngoa thì những Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng hay Miura đều khá “yếu đuối”. Chưa bao giờ họ phản ứng mạnh mẽ với những quyết sách của VFF, ngược lại, còn đồng tình “ngon lành” giống như quân cờ đã chỉ đạo là phải đi.
Miura có thể mạnh mẽ và nhiệt huyết trong lối chơi. Có điều, con người ông bên ngoài sân cỏ lại lặng thinh và thiên về tình cảm. Đây là điểm khác biệt so với tân HLV Hữu Thắng.
|
Giữa Hữu Thắng và Miura có nhiều điểm khác biệt. |
Nguyễn Hữu Thắng thời còn xỏ giày ra sân nổi tiếng là trung vệ có lối chơi lăn xả, lì lợm, có thừa quyết tâm. Cựu cầu thủ xứ Nghệ mạnh mẽ, gai góc và từng trải. Chuyển sang làm công tác huấn luyện, vẻ điềm đạm, chỉn chu của ông là bề nổi dễ thấy, nhưng không vì thế ta đánh giá thấp sự cương quyết có thừa mà Hữu Thắng sở hữu.
Giàu kinh nghiệm trường đời, trường nghề
Sinh năm 1972, so với Toshiya Miura, Hữu Thắng còn trẻ. Tuy nhiên, kinh nghiệm trận mạc của nhà cầm quân 44 tuổi lại dạn dày vô cùng.
Năm 2009, Hữu Thắng từng cứu vớt một Hà Nội T&T đang bên bờ vực thẳm. Khi ấy, đội bóng của bầu Hiển kết thúc lượt đi với vị trí áp chót và ngậm đắng nuốt cay sa thải HLV Triệu Quang Hà. Đóng thế, nhưng Hữu Thắng đã nhanh chóng cho thấy cái tài điều binh khiển tướng của mình. Ông giúp đội bóng thủ đô thi đấu “lên đồng”, cán đích ở vị trí thứ 4 vào cuối mùa.
Nhắc đến Hữu Thắng là nhắc tới một con người giàu thành tích, đồng thời cũng không ít lần “nhúng chàm” bi kịch. Phốt đem tiền đi mua chức vô địch mùa giải 2000-2001, hay scandal SLNA - Cảng Sài Gòn bị phanh phui năm 2006 khiến danh tiếng của Hữu Thắng bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, vòng lao lý đã tôi rèn nên một Hữu Thắng đức độ và tràn đầy bản lĩnh. Kinh nghiệm trường đời, trường nghề có lẽ sẽ là chìa khóa giúp ông đắc lực khi lên nắm tuyển.
Khi VFF không còn sính ngoại…
Bỏ qua vấn đề chuyên môn, nếu xét về tình, VFF đã khôn ngoan khi chọn một HLV nội lên nắm quyền. Là người bản địa, tất nhiên, Hữu Thắng sẽ có nhiều lợi thế.
So với Miura, rào cản ngôn ngữ, hay địa lý mà Nguyễn Hữu Thắng phải nhận gần như bằng 0. Trái lại, ít nhất, cựu danh thủ Việt Nam còn “có sẵn” lượng người hâm mộ ủng hộ nhiệt tình từ quê hương xứ Nghệ.
Sẽ là quá sớm nếu ta cứ mặc định tin tưởng Hữu Thắng là Kiatisuk của Việt Nam. Nhưng, với những gì ông có, biết đâu, viễn cảnh nói trên sẽ sớm không còn xa vời.
Mời quý độc giả xem video:
Theo Người Đưa Tin