75% cho rằng cần phẫu thuật tái tạo màng trinh khi kết hôn
Tunisia được coi là quốc gia tiến bộ nhất về bình đẳng giới ở Bắc Phi. Quyền của phụ nữ đã được công nhận trong Hiến pháp nước này. Tuy nhiên, xã hội vẫn giữ thái độ bảo thủ và phân biệt đối xử với phụ nữ.
Trong suy nghĩ của đàn ông Tunisia, phụ nữ quan hệ tình dục trước hôn nhân không thể là người mẹ tốt. Thậm chí, có điều luật cho phép đàn ông nước này đơn phương ly dị nếu phát hiện ra vợ mình không còn trinh trước khi kết hôn.
|
Mâu thuẫn văn hóa truyền thống và hiện đại khiến nhiều phụ nữ Tunisia mắc cảnh trớ trêu. |
Ông Tarek Belhadj Mohamed, một nhà xã hội học, cho rằng tư tưởng bảo thủ của nam giới Tunisia phản ánh tình trạng "đạo đức giả" trong xã hội. "Thật bất công! Trong khi đó, người đàn ông được phép quan hệ tình dục để có ''kinh nghiệm'' chăn gối trước khi kết hôn", ông Mohamed nói.
Nhà nghiên cứu phân tâm học Nedra Ben Smail chỉ ra rằng chỉ có 5% số phụ nữ trẻ Tunisia không lo lắng về việc mất trinh tiết trước khi kết hôn, trong khi hơn 75% cho rằng cần phải phẫu thuật tái tạo màng trinh trước khi kết hôn.
"Vài giọt máu không thể quyết định danh dự của người phụ nữ", AFP dẫn lời Salima, 32 tuổi. Nhưng cô gái này cũng thừa nhận chính định kiến xã hội đã buộc cô phải tái tạo màng trinh trước khi lấy chồng.
"Đây là lựa chọn chung của nhiều phụ nữ ở Tunisia", Sabra, 27 tuổi, nói và cho rằng phụ nữ chưa lập gia đình có quyền quan hệ tình dục tự do như đàn ông.
Các cuộc phẫu thuật tái tạo màng trinh chỉ mất khoảng 30 phút và phải được thực hiện trước khi diễn ra đám cưới ít nhất một tuần để vết khâu có thời gian lành.
Hichem, một sinh viên nam 29 tuổi, dự định kết hôn vào năm tới, cho biết việc vợ sắp cưới còn trinh tiết hay không "rất, rất quan trọng" với anh: "Nếu sau đám cưới, tôi phát hiện ra cô ấy không phải là gái còn trinh, tôi sẽ không bao giờ tin tưởng cô ấy nữa. Tôi coi đó là hành động phản bội. Tôi không nghĩ phẫu thuật tái tạo màng trinh giúp được gì". Trong khi đó, Radhouam, một sinh viên khác ngồi cạnh lại cho rằng xã hội Tunisia quá hà khắc với phụ nữ: "Theo tôi, đây đơn thuần là đạo đức giả. Đàn ông có thể thoải mái quan hệ trước hôn nhân, vậy tại sao lại giày vò phụ nữ khi họ làm thế?".
Dù ngày nay quan hệ tình dục trước hôn nhân diễn ra khá phổ biến trong giới trẻ ở Tunisia, nhiều cô gái vẫn sợ bị dán mác "đã qua sử dụng", theo bác sĩ phụ khoa Faouzi Hajri.
"Tôi thực hiện thủ thuật này bởi tôi không đồng tình với những người cho rằng trinh tiết là thứ gì đó thiêng liêng", bác sĩ Rachid nói, "Quan niệm đó là sản phẩm của một xã hội thống trị bởi nam giới nhưng lại đội lốt những giá trị tôn giáo tín ngưỡng".
Bác sĩ phẫu thuật ăn nên làm ra
Dưới áp lực của định kiến xã hội, nhiều phụ nữ trẻ Tunisia phải đi "vá" trinh tiết trước khi kết hôn. Yasmine liên tục cắn móng tay và không ngừng kiểm tra điện thoại. Trông cô rất hoang mang và lo lắng.
"Tôi cho rằng đây là một việc làm dối trá, chính vì vậy, tôi thực sự căng thẳng", cô gái trẻ nói khi đang ngồi trên tầng 4 ở một phòng khám phụ khoa tư nhân ở thành phố Tunis, phía đông bắc Tunisia. Xung quanh cô, nhiều phụ nữ khác cũng đang kiên nhẫn chờ đợi, theo BBC.
Yasmine cho biết cô tới đây để làm phẫu thuật phục hồi màng trinh. Dự định kết hôn trong khoảng hai tháng nữa, cô gái 28 tuổi này sợ hãi nghĩ đến cảnh chồng tương lai phát hiện ra sự thật cô không còn trong trắng. "Một ngày nào đó, tôi có thể nhỡ mồm nói ra sự thật với chồng. Hoặc cũng có thể, chồng tôi sẽ nghi ngờ", Yasmine cho rằng phẫu thuật chỉ là biện pháp tình thế.
Yasmine sinh ra trong một gia đình có tư tưởng khá phóng khoáng. Cô từng học tập ở nước ngoài nhiều năm. Nhưng điều đó không có nghĩa là cô vượt qua được áp lực của xã hội.
"Tôi quan hệ tình dục với bạn trai cũ", Yasmine tâm sự, "Lúc đó, tôi không thể tưởng tượng áp lực của xã hội lớn thế nào và hậu quả sẽ ra sao. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy lo lắng. Nếu tôi nói thật với chồng sắp cưới, tôi khá chắc là lễ thành hôn của chúng tôi sẽ bị hủy bỏ". Không dám hé răng với người thân, Yasmine đã tiết kiệm nhiều tháng liền để có đủ 400 USD trả cho ca phẫu thuật kéo dài 30 phút này.
Theo Lai Nguyễn/CAND