Bức ảnh được đăng ngày 20/5 trên tài khoản Instagram của hai người phụ nữ cùng xuất hiện trong ảnh với Công chúa Latifa, BBC đưa tin ngày 22/5.
Trong ảnh, Công chúa Latifa dường như ngồi trong Trung tâm thương mại Emirates tại Dubai, thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với hai người phụ nữ khác. Theo bạn của Latifa, hai phụ nữ này là người quen của công chúa.
|
Người phụ nữ ở giữa trong ảnh được cho là Công chúa Latifa - con gái người cai trị Dubai. Cô đã không xuất hiện trước công chúng trong nhiều tháng qua. Ảnh: Instagram.
|
Do được đăng tải trên Instagram, bức ảnh không chứa dữ liệu về thời gian và địa điểm chụp ảnh. Đằng sau ba người là rạp chiếu phim quảng cáo bộ phim Demon Slayer: Mugen Train được công chiếu tại UAE từ ngày 13/5.
Cả hai phụ nữ trong ảnh từ chối bình luận về Latifa hoặc về thời điểm chụp ảnh. Theo BBC, thời điểm bức ảnh xuất hiện không phải ngẫu nhiên hoặc vô ý mà có liên quan tới một số diễn biến chưa được tiết lộ.
Liên Hợp Quốc từ chối bình luận về bức ảnh nhưng cho biết vẫn đang chờ “chứng cứ thuyết phục về việc Latifa còn sống”. UAE cho hay sẽ cung cấp chứng cứ.
“Giả sử là thật, bức ảnh là chứng cứ cho thấy Công chúa còn sống… Nhưng bức ảnh không nói lên điều gì về điều kiện giam cầm hoặc sự tự do của cô”, Kenneth Roth, thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhận xét.
Công chúa Latifa là một trong 25 người con của Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum - người cai trị Dubai và là phó tổng thống kiêm thủ tướng UAE. Cô cố trốn khỏi Dubai vào tháng 2/2018 với sự giúp đỡ của cựu sĩ quan người Pháp và nữ võ sư người Phần Lan.
Trong video được ghi hình ít lâu trước cuộc chạy trốn, Công chúa Latifa cho biết cuộc sống của mình phải chịu nhiều kìm kẹp.
“Tôi chưa rời nước từ năm 2000. Tôi từng nhiều lần xin được đi du lịch, đi học, và làm những thứ bình thường. Họ không để tôi làm vậy”, Công chúa Latifa nói.
Nhưng 8 ngày sau vụ bỏ trốn, con thuyền chở Latifa bất ngờ bị một nhóm vũ trang đột kích. Nhóm này được cho là lực lượng đặc nhiệm của UAE. Kể từ đó, Latifa chưa từng xuất hiện trước công chúng.
Tháng 2, đài BBC Panorama đăng tải video mà Công chúa Latifa bí mật ghi hình để gửi cho bạn ở nước ngoài. Trong video, công chúa mô tả điều kiện giam cầm kể từ khi cô bị bắt trở lại Dubai.
Công chúa Latifa nói bị biệt giam mà không được tiếp cận trợ giúp về y tế hoặc pháp lý. Biệt thự nơi cô bị giam cầm có cảnh sát canh gác, cửa ra vào và cửa sổ đều bị đóng chặt.
Theo Quốc Đạt/Zing