Ngày 5/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tuyên bố này được Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra tại một cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva, Thụy Sĩ, sau khi đại dịch COVID-19 đã lan rộng đến hầu hết quốc gia trên thế giới và khiến hơn 6,9 triệu người tử vong, theo hãng tin Reuters.
|
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AP.
|
Ủy ban Khẩn cấp đã họp vào ngày 4/5 và khuyến nghị tổ chức này tuyên bố COVID-19 không còn "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế". Đây là mức cảnh báo cao nhất của WHO, được áp dụng kể từ ngày 30/1/2020.
“Vì vậy, với niềm hy vọng lớn lao, tôi tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói. Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cũng cảnh báo tuyên bố trên không đồng nghĩa với việc COVID-19 không còn là mối đe dọa với sức khỏe toàn cầu.
Cũng trong hội nghị thông báo về quyết định này, một số quan chức WHO kêu gọi các quốc gia nên suy ngẫm về những bài học kinh nghiệm trong đại dịch. “Chúng ta không thể nào quên những giàn thiêu, những ngôi mộ dành cho người mất vì COVID-19. Không ai trong chúng ta sẽ quên chúng" - bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, nói.
Việc tuyên bố kết thúc tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đồng nghĩa với việc các nỗ lực hợp tác, tài trợ quốc tế cũng sẽ chấm dứt hoặc chuyển trọng tâm.
"Trận chiến vẫn chưa kết thúc. Chúng ta vẫn còn những điểm yếu trong hệ thống của mình và chúng sẽ bị virus này hoặc virus khác phơi bày. Điều này cần phải được khắc phục", ông Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nói.
Theo WHO, hơn 765 triệu trường hợp được xác nhận nhiễm COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Châu Âu là khu vực có nhiều trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh nhất, trong khi đó, châu Mỹ là khu vực có nhiều trường hợp tử vong được báo cáo nhất.
Thảo Nguyên (Theo Reuters)