Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại Dinh Tổng thống Phần Lan ngày 16/7. Sau hội nghị, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga đều cho rằng buổi đàm phán đã đạt được những thành công nhất định và đem lại nhiều kết quả cũng như cam kết sẽ thực hiện những bước đi đầu tiên để cải thiện quan hệ song phương.
Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực chưa kịp xuất hiện thì mối quan hệ Mỹ-Nga lại bị phủ bóng đen bởi các vụ bắt giữ, buộc tội công dân và nhân viên tình báo Nga.
Mới đây, ngày 16/7, khi Tổng thống Trump trên đường trở về Washington sau cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga Putin tại Helsinki, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo nước này đã bắt giữ công dân Nga Maria Butina, 29 tuổi, hôm 15/7 với cáo buộc là gián điệp của Moscow.
|
Mỹ vừa bắt giữ công dân Nga Maria Butina. Ảnh: Reuters. |
Theo tài liệu của cơ quan phản gián Mỹ, cô Butina bị nghi ngờ đã tuân theo chỉ đạo từ phía quan chức Nga, gây tác động lên các chính trị gia cấp cao của Mỹ và thiết lập mối quan hệ với các tổ chức chính trị, đặc biệt là Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) trong khoảng thời gian từ năm 2015 tới 2017.
Còn BBC cho biết thêm, cô Butina đã báo cáo về tiến triển công việc của mình cho một quan chức trong chính phủ Nga, người này được cho là nằm trong danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 4/2018, bằng cách dùng các tin nhắn Twitter trực tiếp.
Cô Butina sẽ phải ra trình diện trước tòa án liên bang tại thủ đô Washington vào ngày 18/7. Nếu bị kết tội, Butina có thể phải chịu mức án lên đến 10 năm tù giam.
Được biết, luật sư của Butina, ông Robert Driscoll, khẳng định thân chủ của mình không phải là gián điệp Nga và cô luôn hợp tác với giới hữu trách Mỹ trong quá trình điều tra.
Liên quan đến vụ bắt giữ công dân Nga này, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã yêu cầu Washington cho phép cô Butina được quyền tiếp cận lãnh sự.
Trước đó, hôm 13/7, Bộ Tư pháp Mỹ công bố kết quả điều tra và chính thức kết tội 12 nhân viên tình báo Nga tấn công (mạng) cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Theo kết luận của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, 12 thành viên của Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU) dính líu tới “nỗ lực lâu dài nhằm xâm nhập các hệ thống máy tính của Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ” và hòm thư điện tử của ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton hồi năm 2016.
Đáng chú ý, thông tin này được công bố chỉ ba ngày trước khi thượng đỉnh Mỹ-Nga diễn ra tại thủ đô Helsinki hôm 16/7.
|
Mối quan hệ Nga-Mỹ chưa kịp được cải thiện sau thượng đỉnh Helsinki nay đã lâm vào bế tắc trở lại sau các vụ bắt giữ và cáo buộc gián điệp. Ảnh: News RnD. |
Tại cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Nga Putin một lần nữa khẳng định Moscow không can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Về phần mình, Tổng thống Trump đánh giá thấp tính chính xác trong kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và thậm chí ám chỉ rằng Tổng thống Putin còn đáng tin hơn những đánh giá đó.
Phát biểu trên đã khiến ông Trump hứng chịu chỉ trích mạnh mẽ từ trong nước. Các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa cáo buộc Tổng thống Trump đứng về phía Nga mà đáng lẽ ra phải bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.
Tuy nhiên, mới đây, ông Trump thừa nhận đã "nói nhầm" tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Putin vừa qua. Phát biểu với báo chí tại Nhà Trắng ngày 17/7, Tổng thống Trump khẳng định hoàn toàn tin tưởng các cơ quan tình báo Mỹ và nhất trí với kết luận rằng Nga đã can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Mời độc giả xem thêm video: Thượng đỉnh Trump-Putin: Sự va chạm giữa hai cá tính đối lập (Nguồn: VTC1)
Mối quan hệ Mỹ-Nga được kỳ vọng sẽ cải thiện sau cuộc gặp thượng đỉnh nhưng hiện tại chưa có những dấu hiệu tiến triển tích cực nào mà thậm chí đối mặt với sóng gió. Chỉ một ngày sau thượng đỉnh, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho biết sẵn lòng xem xét việc bổ sung các biện pháp trừng phạt Moscow.
"Nếu các ủy ban quốc hội tin rằng cần áp đặt thêm lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, tôi sẵn sàng xem xét đề xuất đó”, Reuters dẫn lời Chủ tịch Paul Ryan.
Thiên An (Tổng hợp)