Vụ tàu chở dầu bị tấn công ở vịnh Oman ngày 13/6 đã khiến giá dầu tăng cao, dẫn đến lời đe dọa từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và lời kêu gọi bình tĩnh từ tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Mặc dù không có thương vong về người do cả hai con tàu đều được sơ tán, vụ việc đã gây lo ngại về khả năng xung đột quân sự tại khu vực. Tối 13/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công, đẩy căng thẳng giữa hai nước lên cao nhất trong ba thập kỷ. Iran nói đang bị vu oan.
|
Hình ảnh do truyền thông Iran công bố cho thấy lửa cháy dữ dội trên tàu chở dầu Front Altair, một trong hai con tàu bị tấn công, tại vịnh Oman ngày 13/6. Ảnh: AP. |
Nặng lời cáo buộc, Mỹ khó lùi bước?
Theo New York Times, việc điều tra nguyên nhân các vụ tấn công có ý nghĩa lớn, đặc biệt đối với Mỹ, vì với việc lựa chọn địa điểm tấn công ở vịnh Oman, thủ phạm có thể đang muốn gửi thông điệp đe dọa lên một trong những huyết mạch của kinh tế thế giới. Vịnh Oman nối với vịnh Ba Tư qua eo biển Hormuz rộng 34 km, và 1/3 lượng dầu thô, 1/5 lượng khí tự nhiên của thế giới đi qua vùng biển này.
Các con tàu bị tấn công có điểm đến là châu Á, không có liên hệ với Mỹ. Song Washington đã cam kết bảo vệ tuyến vận chuyển dầu qua vịnh Ba Tư kể từ sau Thế chiến II. Kể từ Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990, Mỹ tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực để tiếp tục cam kết đó.
Nếu eo biển Hormuz bị tắc nghẽn hoặc dòng chảy dầu thô bị gián đoạn vì nguyên nhân nào đó, lợi ích của Mỹ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, dù tàu Mỹ không bị tấn công.
Hơn nữa, Tổng thống Trump đã chọn việc đối đầu với Iran làm ưu tiên, nhắc lại lập trường của Israel và các nước Arab rằng Iran đang gây bất ổn cho khu vực. Ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận năm 2015 cho phép nới lỏng cấm vận Iran đổi lấy việc nước này ngừng chương trình hạt nhân.
|
Vịnh Oman (điểm đỏ trên bản đồ) nối với vịnh Ba Tư qua eo biển Hormuz rộng 34 km. 1/3 lượng dầu thô, 1/5 lượng khí tự nhiên của thế giới đi qua vùng biển này. Ảnh: CNN. |
Ông đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt, thậm chí cấm vận thêm để Iran không thể xuất khẩu dầu. Ông coi quân đội Iran, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, là tổ chức khủng bố, và đe dọa “xóa sổ Iran” nếu nước này gây hấn với Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ lại đang đặt ra các mục tiêu không rõ ràng trong chính sách với Iran. Có những lúc, các quan chức Mỹ yêu cầu Iran thay đổi toàn bộ chính sách trong khu vực. Từ trước tới nay, Tehran luôn vươn rộng ảnh hưởng bằng cách nâng đỡ các nhóm phiến quân ở Iraq, Lebanon, Syria, Gaza và Yemen (có những cáo buộc ở Bahrain).
Có những lúc, Tổng thống Trump lại yêu cầu ít hơn.
Song lần này, chính quyền Mỹ ở vào thế khó nhượng bộ hơn. Tối 13/6, Lầu Năm Góc công bố video đen trắng, không quá nét, mà các quan chức nói là cảnh thủy thủ Iran gỡ bỏ mìn chưa nổ khỏi thân tàu Kokuka Courageous của Nhật, một trong hai tàu bị tấn công. Dựa vào đó, phía Mỹ cho rằng Iran đã gài mìn và đang cố phi tang. Đã kết luận như vậy, sẽ khó để Mỹ không phản ứng mạnh tay.
|
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công. Ảnh: Getty Images. |
Iran: Không biết, không liên quan
Nhiều chuyên gia vẫn đặt dấu hỏi về cáo buộc và bằng chứng của phía Mỹ. Dù vậy, các quan chức phương Tây đang ngày càng đồng thuận về vụ việc tương tự vào tháng trước, cho rằng Iran đã tấn công bốn tàu chở hàng trong cùng tuyến hàng hải ở gần cảng Fujairah thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Các chuyên gia cho rằng Iran đang tìm cách “nắn gân” Washington, đồng thời che giấu đủ để Mỹ không có cớ trả đũa trực tiếp. Việc tàu chở dầu đi qua Vùng Vịnh bị quấy nhiễu có thể khiến Mỹ đau đầu vì giá dầu sẽ tăng cao, nhưng có lợi cho Iran vì bán dầu sẽ có lãi hơn.
Các cựu quan chức Mỹ nói với New York Times về chiến thuật này của Iran trong quá khứ: tấn công Mỹ một cách lén lút hoặc gián tiếp, để Mỹ không thể trả đũa. Khi Mỹ chiếm đóng Iraq sau năm 2003, Washington biết Iran huấn luyện và trang bị cho phiến quân Shi’ite đang tấn công và giết hại lính Mỹ. Nhưng Iran luôn nói phiến quân đó tự mình hành động.
“Khả năng phủ nhận sự liên quan vì thiếu chứng cứ là một phần then chốt trong cách thức hành động của Iran”, theo Ali Ansari, giám đốc Viện Nghiên cứu về Iran ở Đại học St. Andrews ở Scotland.
Tranh đấu trong nội bộ Iran cũng sẽ có ảnh hưởng lớn tới cục diện khu vực. Vệ binh Cách mạng Hồi giáo hoạt động độc lập so với các lãnh đạo dân sự theo đường lối ôn hòa, như Tổng thống Hassan Rouhani hay Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif. Lãnh đạo quân đội là các chính khách cứng rắn, những người sẽ hưởng lợi khi bầu cử nếu trào lưu chống Mỹ nở rộ xuất phát từ căng thẳng ngoài khơi.
Do vậy, nếu đứng đằng sau vụ này, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo có thể đang tính kế làm suy yếu Tổng thống Rouhani, theo nhận định của New York Times.
“Có thể ông Zarif hay ông Rouhani không biết nội tình vụ việc”, giáo sư Ansari nói với New York Times. “Ông Zarif hoàn toàn có thể phủ nhận mình không biết gì”.
|
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo hoạt động độc lập so với các lãnh đạo dân sự theo đường lối ôn hòa, như Tổng thống Hassan Rouhani (giữa). Ảnh: AP. |
Mâu thuẫn Mỹ - Iran có từ lâu, nhưng khu vực đã khác
Đối đầu hiện tại đang diễn ra trong bối cảnh bất ổn hơn, do thay đổi lãnh đạo ở các nước Arab xung quanh Iran, đặc biệt với sự lớn mạnh của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.
Những người cai trị trước đây của Saudi Arabia luôn cẩn trọng, nhưng Thái tử Mohammed, người nắm thực quyền, không như vậy.
Trước đây, chẳng hạn, vua Abdullah sợ xung đột với Iran đến mức ông phải cố tình che giấu vai trò của Iran trong vụ tấn công Tháp Khobar làm 19 lính không quân Mỹ thiệt mạng. Ông sợ một cuộc trả đũa của Mỹ sẽ kéo Saudi Arabia vào cuộc chiến, theo các cựu quan chức Mỹ.
Còn Thái tử Mohammed lại đang khơi dậy những mâu thuẫn âm ỉ giữa hai bờ vịnh Ba Tư, một bên là Iran còn bên kia là các nước Arab.
Hai bên đã cạnh tranh ảnh hưởng bằng cách hậu thuẫn các lực lượng ở những nước láng giềng, bao gồm Lebanon, Iraq, Syria và Bahrain.
Ông cũng khơi dậy chủ nghĩa dân tộc và chống Iran ở trong nước, đồng thời lần đầu tiên chủ trương dùng quân Saudi can thiệp vào Yemen, nhằm dập tắt cuộc nổi dậy của người Houthi thân Iran.
|
Những người cai trị trước đây của Saudi Arabia luôn cẩn trọng, nhưng Thái tử Mohammed, người nắm thực quyền, không như vậy. Ảnh: New York Times. |
Trong khi căng thẳng Mỹ và Iran vẫn còn nóng, nhóm Houthi cùng các đồng minh dường như đang nhắm đến Saudi Arabia, bắn tên lửa vào đường ỗng dẫn dầu, sân bay. Ngày 14/6, truyền thông Saudi cho biết vương quốc này đã đánh chặn thêm các tên lửa Houthi.
Saudi Arabia và UAE đều đã vận động Mỹ rời bỏ thỏa thuận Iran, và thuyết phục Mỹ mạnh tay hơn để đẩy lùi ảnh hưởng của Iran. Israel cũng đang làm tương tự.
Song dù Saudi Arabia, UAE và Israel thúc giục Mỹ cứng rắn với Iran, họ đều có lý do để hy vọng lời qua tiếng lại giữa hai bên không biến thành chiến tranh và buộc các nước vào cuộc. Cả ba nước đều là mục tiêu để Iran phản công trong trường hợp chiến tranh.
“Dùng Iran để đổ lỗi cho mọi vấn đề khu vực, nhưng làm sao để không có nguy cơ chiến tranh - đó là tình thế lý tưởng nhất đối với Saudi Arabia, UAE và Israel”, theo Paul Pillar, giáo sư Đại học Georgetown và cựu quan chức CIA từng nghiên cứu về khu vực.
Theo Trọng Thuấn/Zingnews