Mời độc giả xem video: An ninh Nga trấn áp các phần tử tội phạm có tổ chức. (Nguồn RT) |
|
Phát đạn duy nhất
Khách sạn Dvor Karetny xa hoa bậc nhất thủ đô Moscow, cách điện Kremlin chừng 2 km, là điểm đến yêu thích của giới nhà giàu, tài phiệt nước Nga. Buổi trưa đầu xuân năm 2013, một người đàn ông già cả, dáng người béo, bước nhanh khỏi nhà hàng sau khi dùng bữa.
Ông ta đi nhanh về phía chiếc xe chở mình thì bất chợt một tiếng “bụp” vang lên. Tiếng kêu đanh gọn, chắc nịch và người đàn ông ngã gục xuống đất. Dù được đưa đi viện cấp cứu ngay sau đó, người đàn ông vẫn không thể qua khỏi vì vết thương quá nặng. Đó là ngày mà cả nước Nga rúng động khi biết tin Aslan Usoyan qua đời.
|
Cái chết của trùm mafia Aslan (trái) khiến nước Nga rúng động. |
Aslan Usoyan, 75 tuổi, bị bắn chết bởi một phát đạn duy nhất. Sát thủ ra tay sử dụng một khẩu súng trường từ một tòa chung cư 10 tầng. Kẻ thủ ác cũng không được tìm ra. Aslan, kẻ từng được mệnh danh là “Bố già Usoyan” hay “Al Capone của nước Nga”, đã chết sau thời gian dài khiến nước Nga chao đảo. Cái chết của Aslan gây ra nhiều cảm xúc trái ngược với người biết tin.
Aslan là người Kurd, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Gruzia thuộc Nga. Ông ta bắt đầu phạm tội từ khi 18 tuổi và chỉ sau đó một năm, Aslan “xộ khám” vì tấn công cảnh sát. Trong thời gian này, Aslan trở thành chỉ huy của tổ chức Vory v Zakone, một liên minh gồm các thành phần bất hảo trong tù. Aslan được mệnh danh là “kẻ phạm tội trong vòng luật pháp” vì luôn tuân thủ các luật lệ của thế giới ngầm. Tờ Economist nói rằng Aslan được đàn em gọi là “trùm mafia uy tín nhất Nga”.
Sau khi ra tù, Aslan chỉ huy các băng đảng bảo kê và thu tiền bất chính từ doanh nghiệp. Bất kì công ty, tập đoàn nào phản đối đều bị Aslan kéo quân tới đập phá, đe dọa, đổ sơn khắp nơi. Aslan là kẻ thích bạo lực nên hắn sẵn sàng sai đàn em tấn công bất kì ai phản kháng.
Khi có một số vốn trong tay, Aslan mở các sòng bạc và chuyển qua bán vũ khí. Khi Liên Xô tan rã, Aslan vẫn vươn vòi bạch tuộc của mình khắp nước Nga và nhiều nơi trên thế giới. Cũng vì quyền lực quá lớn mà Aslan trở thành mục tiêu của những băng nhóm xã hội đen khác. Ông ta từng 2 lần bị ám sát năm 1998 và 2010, tuy nhiên đều may mắn thoát chết. Lần thứ 3 này, Aslan đã không may mắn như vậy và chết tại bệnh viện.
Cảnh sát cho biết trong 2 lần ám sát trước, Aslan đều bị cùng một kẻ âm mưu giết hại, theo Interfax. Vụ ám sát “ông vua Aslan” lần thứ 3 xảy ra quá nhanh nên mặc dù được vệ sĩ bao vây tứ phía, Aslan vẫn bị trúng đạn và gục ngã. Cách hiện trường không xa, cảnh sát thu được một khẩu súng trường. Khẩu súng này là loại Val 9mm, chuyên dùng cho các đặc nhiệm Nga thời trước.
Cuộc chiến đẫm máu giành quyền lực
Tờ Bưu điện Washington cho biết vài năm trước khi Aslan bị ám sát, các ông trùm khét tiếng nhất ở Nga đã gặp mặt nhằm giải quyết bất đồng và phân chia khu vực cai trị. Dù vậy, cuộc họp kết thúc trong những tiếng cãi cọ, chửi thề và sự đe dọa lẫn nhau. Đại diện đàm phán của Aslan là Vyacheslav Ivankov sau này cũng bị ám sát năm 2009.
Cựu cảnh sát Alexander Mikhailov nói rằng cái chết của Aslan “giúp việc phân chia lãnh địa được hoàn tất nhanh chóng”. Ông Alexander dự đoán rằng các cuộc thanh trừng trong tương lai sẽ ít hơn.
Giáo sư Mark Galeotti từ đại học New York khẳng định cái chết của Aslan chưa phải hết mà là sự mở đầu cho cuộc chiến đẫm máu theo phong cách truyền thống nhằm trả thù lẫn nhau. Mark nói: “Cháu trai Aslan sẽ nối nghiệp ông mình và trả thù trong thời gian tới. Chắc chắn những cuộc chiến này sẽ không bao giờ có hồi kết”.
Một diễn biến khác đáng chú ý là ngày 1.2.2013, Rovshan Dzhaniyev, một tên tội phạm gốc Azerbaijan, được cho là bị bắn chết ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người cho rằng Dzhaniyev là nghi phạm chính trong vụ ám sát ông trùm Aslan. Tuy nhiên, cảnh sát khẳng định trên tờ Moscow Times: “Một nửa tin rằng chính Dzhaniyev đã ra tay giết hại Aslan và bị thủ tiêu, số khác cho rằng Dzhaniyev không bị bắn chết mà chỉ tung tin đồn nhằm trốn tránh bị trả thù vì ra tay với ông trùm”.
Kênh Rossia 1 cho biết Astamir Gulia, thành viên chủ chốt của băng đảng đối đầu với ông trùm Aslan, bị bắn chết tại một nhà hàng Moscow hôm 18.1.2013. Nhiều ý kiến cho rằng Gulia chính là kẻ đã bắn chết ông trùm khét tiếng. Dù vậy, thông tin này đã bị dập tắt vì nhiều người khẳng định, Gulia không có khả năng thiện xạ điêu luyện tới vậy.
Cái chết của Aslan khiến các băng đảng nhanh chóng ngoi lên và tìm quyền kiểm soát đế chế của “ông vua Aslan” ở Moscow và Sochi. Sân vận động Sochi, nơi diễn ra Thế vận hội Mùa đông 2014, từng được Aslan kiểm soát toàn bộ. Trước đó, Eduard Kakosyan, kẻ thân tín với Aslan bị một tay súng lái xe máy bắn chết năm 2010.
Từ năm 2007, Aslan đã tranh giành lãnh địa với một băng đảng do Tariel Oniani kiểm soát tại khu vực Sochi. Những vụ đụng độ giữa 2 bên thường xuyên xảy ra. Cảnh sát nhiều lần tìm cách hòa giải nhưng bất thành. Khi được phỏng vấn, Aslan nói: “Nga là một dân tộc hòa bình nên chúng tôi cũng dùng hòa bình để ngăn chặn tình trạng vô thiên vô pháp”.
Hãng tin RT của Nga cho biết, các băng nhóm muốn diệt trừ Aslan vì ông ta sở hữu khối bất động sản đắc địa ở Sochi. Ngoài ra, ông trùm này cũng nắm trong tay nhiều công ty lớn tranh giành quyền đấu thầu tại thành phố đăng cai thế vận hội lớn nhất thế giới. Đây là “mỏ vàng” mà không tổ chức tội phạm nào bỏ qua.
Sergei Kanev, nhà báo chuyên về pháp luật của tờ Novaya Gazeta, nói: “Nơi nào có tiền, nơi đó có tội phạm. Sochi là căn cứ địa, là quê hương thứ hai của ông trùm Aslan”.
Xác của Aslan dự tính được chôn cất ở quê nhà Tbilisi (Gruzia), tuy nhiên chiếc máy bay chở Aslan không được phép hạ cánh. Do vậy, thi hài của Aslan Usoyan được chôn cất tại Moscow.
Theo Quang Minh/Dân Việt