Vụ cướp máy bay nửa thế kỷ chưa lời giải

Google News

Dù chính phủ Mỹ đã chính thức khép lại cuộc điều tra về vụ cướp máy bay đòi tiền chuộc chấn động dịp Lễ Tạ ơn năm 1971 nhưng đến nay người ta vẫn không thôi đồn đoán về danh tính D.B. Cooper, không tặc duy nhất trên thế giới chưa bị bắt giữ.

Vụ cướp máy bay chấn động
Chiều 24/11/1971, trong dòng người đang hối hả ở Sân bay quốc tế Portland ở bang Oregon (Mỹ) dịp lễ Tạ ơn, có một người đàn ông trung niên vẻ lịch lãm xưng tên Dan Cooper. Tại quầy bán vé, Cooper mua ghế số 18C trên chiếc Boeing 727-100 mang số hiệu 305 của hãng hàng không Northwest Orient Airlines tới Washington.
Vu cuop may bay nua the ky chua loi giai
Chiếc máy bay bị Cooper khống chế. 
14h50 phút, máy bay cất cánh. Theo lịch trình, sau khoảng 30 phút, máy bay sẽ tới Sân bay Seattle - Tacoma. Cùng đi trên chuyến bay đó, ngoài hành khách này còn có 35 người khác nữa. Cơ trưởng trên chuyến bay là ông William Scott, các cơ phó bao gồm Bob Rataczak và H.E. Anderson. Hai tiếp viên tên Tina Mucklow và Florence Schaffner.
Khi máy bay cất cánh được ít phút, Cooper ngoắc tay gọi tiếp viên Florence Schaffner đến gần và nhét một mẩu giấy vào túi áo của cô. Vào những năm 1960 - 1970, việc những người đàn ông đi một mình trêu ghẹo nữ tiếp viên xảy ra khá thường xuyên nên cô Schaffner không mấy lưu tâm.
Người đàn ông thấy vậy gọi nữ tiếp viên lần thứ hai. Lần này, ông ta ra hiệu cho cô ghé sát lại rồi thì thầm: “Cô nên mở tờ giấy ra đọc. Tôi có bom đấy”. Mặt tái mét, Schaffner vội vã đi về phía bếp chuẩn bị đồ ăn để lấy mảnh giấy ra. Mẩu giấy được in sẵn, với nội dung: “Tôi có bom trong vali. Tôi sẽ sử dụng nó khi cần thiết. Tôi muốn cô ngồi xuống cạnh tôi. Mọi người đã bị bắt cóc”.
Ngay sau đó, Schaffner trở ra. Lúc này, vị khách đã chuyển sang ghế phía trong. Schaffner vừa ngồi xuống, vị khách đã nhẹ nhàng mở chiếc vali màu đen của mình để cô nhìn thấy 8 xi lanh có gắn những sợi dây điện và một cục pin lớn. Đóng vali lại, vị khách nói: “200.000 USD, 4 chiếc dù, một chiếc xe chở nhiên liệu ở sẵn tại Seattle để tiếp nhiên liệu cho máy bay ngay khi máy bay đến”. Schaffner vội vã vào buồng lái để truyền đạt lại thông tin cho cơ trưởng.
Chưa thể xác định Cooper còn sống hay đã chết
Những yêu cầu mà Cooper đưa ra khá kỳ cục. Cooper đòi nhận 20.000 USD tiền mệnh giá 20 USD. Ngoài ra, Cooper cũng yêu cầu những tờ tiền nhận được có số seri ngẫu nhiên chứ không liên tiếp. Về những chiếc dù, Cooper đòi dù dân sự với phần dây do người dùng điều khiển.
Cơ trưởng Scott liền liên lạc với trạm kiểm soát không lưu. Thông tin về vụ việc từ đó được chuyển tiếp tới cảnh sát Seattle và sau đó là FBI. Trong lúc này, trên máy bay, người đàn ông yêu cầu Cơ trưởng cho máy bay lượn lờ trên không cho đến khi tiền và dù được chuẩn bị xong. Để tránh gây hoang mang cho hành khách, Cơ trưởng Scott thông báo vì vấn đề kỹ thuật nên máy bay sẽ bay lượn vòng trước khi cất cánh. Toàn bộ hành khách đều tưởng thật.
17h24 phút, nhóm mặt đất báo tin đã chuẩn bị đủ tiền và dù. Sau khi Cơ trưởng Scott đã cho máy bay tiếp đất, Cooper yêu cầu tắt hết đèn trên cabin để phòng khả năng bị đánh lén. Chiếc máy bay sau đó di chuyển tới một khu vực sáng đèn ở xa nhà ga. Một nhân viên của hãng hàng không Northwest lái xe tới chuyển những món đồ theo yêu cầu. Lúc này, Cooper đã thả 36 hành khách và nữ tiếp viên Florence Schaffner ra, giữ lại nữ tiếp viên Tina Mucklow và 3 thành viên trong tổ lái. 19h46 phút, Cooper yêu cầu máy bay cất cánh trở lại sau khi đã tiếp đủ nhiên liệu.
Khi máy bay đã quay trở lại bầu trời, Cooper yêu cầu phi công duy trì độ cao không quá 3.048m và tốc độ dưới 277km/h, hướng tới thành phố Mexico. Cooper cũng buộc nữ tiếp viên và tổ lái ở nguyên trong buồng lái. Vào lúc xảy ra sự việc, hệ thống máy móc không được hiện đại như bây giờ. Trên cửa buồng lái không có lỗ thóng nhìn ra, còn trong khoang hành khách cũng không có hệ thống camera điều khiển từ xa nên phi hành đoàn không hề hay biết tên không tặc đang làm gì.
Đến khoảng 20h00, đèn đỏ trong buồng lái sáng lên, báo hiệu cầu thang phía sau đã được kích hoạt. Qua bộ đàm, Cơ trưởng Scott đề nghị hỗ trợ Cooper nhưng Cooper chỉ giận dữ đáp lại: “Không”. Đó cũng là lời cuối cùng mà người ta được nghe từ Dan Cooper. Liền sau đó, áp suất không khí trong buồng lái cũng thay đổi đột ngột, cho thấy cửa máy bay đã được mở ra. 22h15 phút cùng ngày, máy bay hạ cánh xuống Reno, Nevada. Cooper được cho là đã nhảy ra khỏi máy bay khi nhiệt độ ngoài trời vào khoảng -7 độ C, với khối tiền gắn chặt vào ngực.
Điệp viên CIA?
Trong suốt dịp Lễ Tạ ơn và nhiều tuần sau đó, cảnh sát đã mở một cuộc tìm kiếm quy mô lớn ở khắp khu vực mà tên không tặc đã nhảy xuống nhưng không tìm được bất cứ dấu vết nào. Phải 9 năm sau, đến ngày 10/2/1980, một bé trai 8 tuổi khi dạo chơi ở bờ sông Colombia mới phát hiện một số tờ tiền mệnh giá 20 USD với số seri trùng với những tờ tiền mà Cooper đã lấy đi.
Bằng chứng này đã củng cố giả thuyết được nhiều điều tra viên đưa ra, theo đó rằng Cooper đã tan xác khi rơi từ trên cao xuống sông. Theo họ, chiếc túi đựng tiền được Cooper buộc vào ngực qua nhiều năm đã bị phân hủy và những bó tiền vì thế đã trôi theo dòng nước.
Sau phát hiện trên, cảnh sát Mỹ đã mở các cuộc tìm kiếm mới nhưng vẫn không tìm được thi thể hay chiếc dù mà Cooper đã sử dụng để chứng minh rằng tên cướp đã tử nạn. Đến tháng 7/2016, FBI quyết định đóng hồ sơ vụ việc khét tiếng sau gần nửa thế kỷ điều tra mà không có kết quả. Gọi đây là một trong những cuộc điều tra kéo dài và vất vả nhất trong lịch sử cơ quan này, FBI cho biết đã đến lúc họ phải tập trung vào những vụ việc khác. Có điều, do nhầm lẫn của giới truyền thông mà Dan Cooper bị nhầm lẫn thành DB Cooper và cái tên này đến nay vẫn được sử dụng.
Tuy nhiên, không vì thế mà những thông tin về DB Cooper dừng lại. Đầu năm 2017, dư luận xôn xao trước thông tin do nhóm điều tra có tên “Citizen Sleuths” công bố. Theo đó, nhóm này cho biết đã tiến hành phân tích chiếc cà vạt JC Penny của Cooper bằng kính hiển vi điện tử loại mạnh và tia X, từ đó phát hiện các hạt titan tinh khiết và một số hạt khác trong kẹp cà vạt. Những hạt này thường chỉ có ở các trung tâm nghiên cứu hàng không vũ trụ, hiếm khi có ở môi trường bên ngoài.
Từ phát hiện này, nhóm nghiên cứu cho rằng nghi phạm có thể đã làm việc tại Tektronix – một công ty có thể đã thực hiện hợp đồng hợp tác chế tạo máy bay vận tải siêu thanh trong những năm 1960 và 1970. Theo nhóm nghiên cứu, Cooper có thể là nhân viên hoặc nhân viên hợp đồng của Boeing và thường xuyên đi lại giữa Boeing và Tektronix.
Hồi tháng 2 vừa qua, một nhóm 40 người bao gồm những cựu điệp viên FBI cũng đã công bố kết quả điều tra của họ. Nhóm này lại cho rằng D.B. Cooper chính là Robert W. Rackstraw Sr. – một cựu binh từng tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam và là một cựu lính nhảy dù của quân đội Mỹ sống ở gần San Diego. Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng D.B. Cooper là một điệp viên chìm của CIA và thậm chí có thể liên quan đến vấn đề Iran. Vẫn theo nhóm điều tra, danh tính của người này thực chất đã được xác định nhưng chính các điệp viên trong Chính phủ Mỹ đã quyết định che giấu sự thật.
Nhóm điều tra viên độc lập này cũng cho rằng DB Cooper thực chất đã không thiệt mạng sau vụ việc. Trong nhiều ngày sau vụ không tặc, trong khi vụ truy bắt gắt gao nhất lịch sử Mỹ đang được tiến hành, một số tờ báo đã nhận được 4 bức thư bí ẩn ký tên D.B. Cooper.
Nhóm nghiên cứu đã trưng ra bằng chứng cho thấy sự tương đồng giữa chữ viết tay của tên không tặc và những bức thư này. Trong đó, theo ông Rick Sherwood – một chuyên gia giải mật tham gia nhóm điều tra – bức thư đầu tiên gửi đi ngày 27/11/1971 có chứa thông điệp chế giễu FBI. Điều tra viên Thomas Colbert cũng cho rằng những bức thư sau đó cũng ẩn chứa các thông điệp tương tự.
Song, những thông tin này đến nay vẫn chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào khẳng định. Cooper vì thế trở thành tên không tặc duy nhất trên thế giới chưa bị bắt. Vụ cướp máy bay năm nào cũng là vụ không tặc duy nhất đến nay chưa có lời giải.
Theo Minh Ngọc/Báo Pháp Luật