Cái chết của nhân vật đặc biệt này được xem là đòn giáng mạnh nhất nhằm vào lực lượng Hezbollah trong nhiều tháng qua. Cộng đồng quốc tế quan ngại diễn biến mới này sẽ làm leo thang hơn nữa xung đột tại Trung Đông.
Ngay sau khi xác nhận thủ lĩnh Sayyed Hassan Nasrallah đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel nhằm vào Lebanon, phong trào Hồi giáo Hezbollah đã phóng nhiều tên lửa vào các vị trí của Israel ở biên giới phía Bắc, đồng thời tuyên bố sẽ đẩy mạnh cuộc chiến với Israel.
Về phía Israel, quân đội Israel tuyên bố đang trong tình trạng báo động cao và sẵn sàng trước khả năng xung đột lan rộng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm qua cho biết, việc tiêu diệt thủ lĩnh của phong trào Hezbollah là thời điểm có tính bước ngoặt và là điều kiện cần thiết để giúp Israel đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó có việc đưa các công dân Israel phải đi sơ tán được quay trở lại nhà: "Việc loại bỏ Nasrallah là điều kiện cần thiết để đạt được các mục tiêu mà chúng tôi đã đặt ra. Trong đó có việc đưa người dân miền Bắc trở về nhà an toàn và thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực trong nhiều năm qua. Nếu Nasrallah còn sống, ông ta sẽ nhanh chóng xây dựng lại các năng lực mà chúng ta đã lấy từ Hezbollah. Việc loại bỏ ông ta thúc đẩy sự trở về nhà của người dân miền Bắc và giúp các con tin của chúng ta ở miền Nam trở về".
Diễn biến mới này đã khiến cộng đồng quốc tế không khỏi lo ngại sẽ làm leo thang hơn nữa xung đột tại Trung Đông.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, ông Stephane Dujarric hôm qua cho biết Tổng thư ký Liên hợp quốc bày tỏ hết sức quan ngại trước sự leo thang kịch tính của diễn biến tình hình tại Lebanon trong 24 giờ qua.
Theo người phát ngôn Stephane Dujarric, vòng xoáy bạo lực phải chấm dứt ngay và tất cả các bên cần phải lùi bước trước bờ vực thảm họa. Người dân Lebanon, người dân Israel, cũng như toàn bộ khu vực, không thể chịu đựng được một cuộc chiến toàn diện.
"Chúng tôi đang theo dõi những diễn biến diễn ra ở Lebanon với sự lo ngại lớn. Sự leo thang mạnh mẽ của các hành động thù địch trên Đường Xanh với các cuộc không kích ở Lebanon, cũng như ở miền Bắc Israel vẫn đang tiếp diễn. Những hành động này gây nguy hiểm cho cả người dân Lebanon và Israel, cũng như đe dọa đến an ninh và ổn định của khu vực. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt bạo lực, khôi phục sự ổn định và tránh đau khổ nhân đạo thậm chí còn lớn hơn trong khu vực. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi hạ nhiệt ngay lập tức và các bên khẩn trương quay trở lại lệnh ngừng bắn, thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an”.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định việc đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện ở Trung Đông không nên bị trì hoãn.
Chia sẻ quan điểm với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden khi được hỏi về diễn biến mới ở Lebanon cũng đã khẳng định đã đến lúc phải ngừng bắn tại khu vực này. Bộ Ngoại giao Nga trong một tuyên bố cũng lên án mạnh mẽ việc Israel tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah Nasralla, gọi đây là một vụ ám sát chính trị khác. Theo Bộ Ngoại giao Nga, hành động này tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với Lebanon và toàn bộ Trung Đông.
Nhiều nước trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ai Cập cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại Lebanon vả kêu gọi chấm dứt xung đột. Trong một tuyên bố mới nhất sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Lebanon Najib Mikati, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi nhấn mạnh Ai Cập ủng hộ lệnh ngừng bắn toàn diện, ngay lập tức và vĩnh viễn tại Lebanon và Dải Gaza.
Ông El-Sisi khẳng định, Ai Cập tin rằng cộng đồng quốc tế phải gánh vác trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn hành động xâm lược của Israel đối với các vùng lãnh thổ Palestine và Lebanon. Theo ông, sự im lặng" của cộng đồng quốc tế sẽ đẩy Trung Đông vào tình trạng leo thang nguy hiểm, đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực và quốc tế.
Theo Hồng Nhung/VOV1