Vụ ám sát gián tiếp dẫn tới cái chết của 20 triệu người

Google News

Đã 100 năm kể từ vụ ám sát Thái tử Franz Ferdinand, người kế vị ngai vàng của đế chế Áo – Hung. Chính sự kiện lịch sử này đã gián tiếp dẫn tới cái chết của hàng triệu người khác.

Thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand bị sát hại năm 1914 được các nhà sử học coi là vụ ám sát tồi tệ nhất lịch sử nhân loại, bên cạnh cái chết của hoàng đế La Mã Julius Caesar. Vì chính vụ ám sát này là nguyên nhân làm bùng nổ Thế chiến I – một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại với khoảng 20 triệu người thiệt mạng.
Vu am sat gian tiep dan toi cai chet cua 20 trieu nguoi
Ảnh phác họa vụ ám sát Thái tử Áo – Hung Franz Ferdinand năm 1914.
Franz Ferdinand sinh ngày 18/12/1863, là con trai trưởng của Hoàng tử Áo Karl Ludwig (em trai của Hoàng đế Áo Franz Joseph).
Từ khi sinh ra, Ferdinand vốn không phải là người kế vị ngai vàng. Tuy nhiên cái chết của người anh họ đã khiến ông đương nhiên trở thành người nối ngôi.
Mặc dù là người sẽ nắm ngai vàng đế quốc Áo-Hung, Ferdinand trên thực tế không được giới quý tộc ủng hộ. Ở tuổi 37, ông đem lòng yêu và cưới Sophie Chotek, bất chấp sự phản đối của người bác.
Năm 1899, Hoàng đế thời đó Franz Joseph cho phép Ferdinand cưới Sophia, với điều kiện con cái của hai người sẽ không được quyền kế vị ngai vàng. Sophia cũng không được phong tước vị hoàng gia, không được ưu đãi, không được xuất hiện ở nơi công cộng bên cạnh chồng, không được phép đi xe hoàng gia…
Đám cưới được tổ chức vào năm 1900. Hoàng đế Franz Joseph và cả những người anh em hoàng tộc của chú rể không tham dự lễ cưới này. Thành viên duy nhất hoàng gia đến chúc mừng đám cưới là mẹ kế của Ferdinand, bà Maria Theresia.
Ngày 28/6/1914, Tỉnh trưởng Oskar Potiorek mời Thái tử Ferdinand đến Sarajevo, thủ phủ của Bosnia - một phần của đế quốc Áo – Hungary để thị sát một cuộc diễn tập quân sự. Không ai ngờ, đó là ngày định mệnh khiến vị Thái tử này thiệt mạng.
Thái tử Franz Ferdinand đến Sarajevo bất chấp tất cả những lời cảnh báo về một âm mưu ám sát vì ông cho rằng, với tư cách là một tướng thanh tra của lực lượng quân đội Áo-Hung, ông không thể vắng mặt. Đồng thời, ông cũng muốn nhân dịp này giới thiệu vợ ông, bà Sophia, đến với đông đảo công chúng. Một đoàn xe 6 chiếc hộ tống xe của Thái tử và Công nương. Cả hai ngồi trên một chiếc xe mui trần để có thể gần gũi với dân chúng hơn.
Thế nhưng họ không ngờ rằng, chính việc này đã tạo ra “cơ hội ngàn vàng” cho những người muốn ám sát họ, đó là những kẻ thuộc tổ chức khủng bố “Bàn Tay Đen”. Tổ chức này ra đời năm 1911 theo đường lối giải phóng Bosnia và Herzegovina, khu vực tranh chấp giữa Serbia và đế quốc Áo – Hung.
6 thành viên cuồng tín của tổ chức Bàn Tay Đen đã trà trộn vào trong đám đông từ rất sớm, mang theo súng và bom. Đúng 10h15, khi đoàn xe chạy qua cầu, một thanh niên từ trong đám đông xông ra ném bom vào xe Thái tử. Bom rơi đúng vào nóc xe, lăn xuống vỉa hè rồi rơi vào bánh trước và nổ tung. 22 người bị thương trong đó có 2 viên quan hộ tống.
Thái tử vẫn tếp tục ra lệnh cho xe đi tiếp nhưng khi phát hiện Công nương bị trúng một mảnh bom ở cổ, Thái tử vô cùng tức giận và vội vàng dẹp bỏ cuộc đón tiếp và ra lệnh đến quân y viện gần nhất. Tuy nhiên, Công nương vẫn kiên quyết đi tiếp cùng chồng và ngồi hàng ghế sau cùng với Thái tử. Chiếc xe phóng nhanh dọc theo con phố đông người. Tuy nhiên, khi xe rẽ về bên phải thì bất ngờ từ trong đám đông một thanh niên tóc sẫm màu rút súng bắn 2 phát vào xe. Viên đầu tiên trúng cổ thái tử. Viên thứ hai trúng bụng Công nương. Chiếc xe hơi sau đó phóng nhanh về dinh tỉnh trưởng nhưng cuối cùng bác sĩ không thể cứu cả hai.
Hung thủ bắn chết Thái tử Franz Ferdinand được xác định là Gavrilo Princip, một sinh viên người Serbia thuộc tổ chức “Bàn tay đen”.
Vu am sat gian tiep dan toi cai chet cua 20 trieu nguoi-Hinh-2
Thái tử Áo-Hung và vợ Sophie, trước thời điểm bị ám sát.
Đế quốc Áo – Hungary đổ lỗi cho Serbia đứng đằng sau vụ việc nhưng họ lập tức phủ nhận. Thủ tướng Serbia lúc bấy giờ là Nikola Pasic tuyên bố chính phủ Serbia không liên quan gì đến vụ việc này. Theo Thủ tướng, tên Voja Tankosic – thành viên cấp cao của “Bàn tay đen” đã nói với ông về kế hoạch ám sát này. Tuy nhiên, Thủ tướng Pasic bác bỏ ngay lập tức vì lo ngại nó sẽ dẫn đến chiến tranh. Chính phủ Serbia cũng đã gửi cảnh báo đến chính quyền Áo –Hungary về nguy cơ ám sát này nhưng dường như bị phớt lờ.
Để duy trì ảnh hưởng của mình ở khu vực Balkan, Áo-Hungary quyết định phải “trả đũa” Serbia. Nhưng trước sự lớn mạnh của đế quốc Nga lúc bấy giờ, Áo-Hungary phải nhờ Đức giúp đỡ. Hoàng đế Franz Josef đã viết một bức thư cá nhân gửi cho Hoàng đế Đức Kaiser Wilhelm yêu cầu hỗ trợ. Ngày 6/7/1914, Đức đồng ý hỗ trợ đầy đủ cho Áo-Hungary. Trong cuộc họp ngày 7/7, Hội đồng Bộ trưởng Áo với số đông đều lựa chọn chiến tranh với Serbia.
Ngày 23/7/1914, chính phủ Áo gửi Serbia tối hậu thư 10 điều điều khoản đến Serbia. Ngày 25/7, đúng hạn trả lời tối hậu thư của Đế quốc Áo-Hungary, Thủ tướng Serbia đã chuyển bức công hàm trả lời cho đại sứ Áo-Hungary với lời lẽ hòa nhã trong đó Serbia đồng ý 9 trong 10 điều của bản yêu sách nhưng không chấp nhận để Áo-Hung cử đại diện tiến hành điều tra trên lãnh thổ Serbia về vụ ám sát. Thay vào đó, Serbia đề nghị mang vụ ám sát này ra tòa án quốc tế ở Hà Lan xét xử, nhưng Áo-Hungary không đồng ý.
Sau khi Serbia kêu gọi đế quốc Nga giúp đỡ, đế quốc Áo –Hungary bắt đầu huy động quân đội, tin rằng, Đức sẽ giúp đỡ mình. Ngày 28/7/1914, Đế quốc Áo-Hungary tuyên chiến với Serbia. Từ đó, Thế chiến I bùng nổ.
Cuộc chiến tranh kéo dài 4 năm, tổng cộng có hơn 9 triệu binh lính cùng số lượng dân thường gần tương ứng thiệt mạng. Có thể nói, sự kiện ám sát thái tử Áo-Hung chính là nguyên nhân gián tiếp khơi mào Thế chiến 1, khiến hàng chục triệu người thiệt mạng.

Mời độc giả xem video Dùng súng bắn chết vợ rồi khống chế 4 người làm con tin. Nguồn: THDT.


Thảo Nguyên (TH)