Vỡ đập thủy điện ở Lào: Attapeu vẫn còn trên 1.000 người mất tích

Google News

Theo thống kê của chính quyền Attapeu (Lào), đến nay địa phương này đã có 8 người chết, 1.226 người mất tích và 1.407 người còn mắc kẹt sau thảm họa vỡ đập thủy điện.

Thông tin mới nhất vụ vỡ đập thủy điện ở Lào được Dân Việt cho hay:
Theo người dân tại Sanamxay, thảm họa vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy xảy ra vào tối thứ 2 ngày 23/7 vừa qua đã làm ảnh hưởng tới 7.000 người ở 6 bản: Khộc Còng, Hỉn Lạt, Thà Sẻng Chăn, Thà Hỉn, Să Mỏng Tạy, Mày, huyện Sanamxay.
Các thành viên của đội giải cứu Thái Lan tìm người mất tích trong các bãi nổi ở bản May, huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu (Lào). Ảnh: Quang Hiếu. 
"Số người chết giảm từ 26 người theo thông tin ban đầu xuống còn 8 người là do người dân tránh lũ trở về không thấy còn người thân nên tinh thần hoảng loạn, báo cáo người thân đã chết, nhưng thực tế là người thân của họ mất tích. Lực lượng cứu hộ quốc tế vẫn đang tiếp tục tìm kiếm".
Bà Bounnan Bounnaseng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin tỉnh Attapeu
Chiều tối 28/7, trao đổi với phóng viên NTNN/Dân Việt, ông Chăn Tha Phone - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Sanamxay cho hay: Sau 5 ngày xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện, tính đến thời điểm này, mưa lũ làm chết 8 người, 1.226 người vẫn còn mất tích. Hơn 1.400 người đang mắc kẹt do nước lũ, bùn nhão ngập sâu gây nhiều khó khăn cho lực lượng cứu hộ tiếp cận. Hai bản lân cận vùng bị ảnh hưởng mưa lũ là Tamozot và Pindon, huyện Sanamxay (với hơn 1.000 người) vẫn còn bị cô lập do nước lũ ngập sâu, vây quanh.
Theo ông Chăn Tha Phone, đến nay lực lượng cứu hộ đã cứu sống 4.733 người gặp nạn trong lũ. "Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị cứu trợ trong nước và quốc tế để tiếp tục nỗ lực giúp đỡ người bị nạn tại các bản làng bị ảnh hưởng, thiệt hại sau vụ vỡ đập"- ông Chăn Tha Phone nói.
Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 25.7, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith thông báo số người chết sau vụ vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy đã lên tới 26 người và 131 người vẫn còn mất tích. Ông cho biết tất cả số này đều là người Lào ở Attapeu.
Trước thông tin số người chết giảm xuống, số người mất tích tăng lên cả chục lần, bà Bounnan Bounnaseng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin tỉnh Attapeu cho rằng: "Số người chết giảm từ 26 người theo thông tin ban đầu xuống còn 8 người là do người dân tránh lũ trở về không thấy còn người thân nên tinh thần hoảng loạn, báo cáo người thân đã chết, nhưng thực tế là người thân của họ mất tích. Lực lượng cứu hộ quốc tế vẫn đang tiếp tục tìm kiếm".
Cột vợ, con vào cột nhà để "thoát lũ"
Trong hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, huyện Sanamxay có 4 gia đình người Việt Nam với 15 người bị ảnh hưởng. Trong phút chốc, tài sản của họ đều bị nhấn chìm trong dòng nước dữ, rất may tính mạng vẫn được an toàn.
Các đoàn Việt kiều ở Lào trao quà từ thiện cho anh Bùi Thế Phương và 3 hộ dân khác bị nạn ở bản May. Ảnh: Quang Hiếu. 
Sinh sống tại bản May đã 4 năm nay, những của cải tích cóp ròng rã của vợ chồng anh Trần Văn Biền bống chốc mất trắng. Dòng nước hung dữ đã cuốn trôi tất cả cơ nghiệp mà vợ chồng anh cực khổ gây dựng nơi đất bạn Lào, may mắn cả gia đình anh bình an sau cơn lũ dữ.
"Lúc đó nước lũ về quá nhanh và chảy mạnh, biết sự chẳng lành, tôi lấy dây, buộc vợ và con trai vào cột nhà. Hy vọng nếu bị cuốn trôi thì vợ con vẫn có nơi bám. Còn tôi và mấy người hàng xóm chạy lên nhà hai tầng gần đó đập mái ra để chui lên mái nằm chờ cứu trợ. Đến sáng hôm sau (24.7) mới có đoàn cứu trợ vào giúp đưa ra 2 vợ con tôi ra trước, còn tôi và 2 người khác phải chờ đến 12 giờ trưa mới có thuyền đưa ra”- anh Biền nhớ lại.
Mới trở về từ vùng tâm lũ dữ, anh Bùi Thế Phương ở bản May, huyện Sanamxay, vẫn chưa hết hoảng sợ khi trò chuyện với chúng tôi về quá trình thoát lũ của gia đình mình. "Như mọi năm lũ về nước dâng ít nên gia đình chủ quan, hai vợ chồng bảo nhau chuyển đồ lên tầng 2, nhưng nào ngờ ít phút sau nước dâng lên nhanh ngập hết tầng 1 tòa nhà 2 tầng, hoảng quá tôi kéo con kiệu lên vai rồi dắt vợ ra thuyền bên ngoài nhà để thoát lũ. Trong lúc di chuyển bên dòng lũ xiết, đâu đâu chúng tôi cũng thấy tiếng người kêu cứu, khóc lóc thảm thiết mà "lực bất tòng tâm", khi ấy chỉ cần tôi quay thuyền, cả gia đình sẽ bị nước lũ xô lật úp ngay"- anh Phương nhớ lại.
Sau khi di chuyển thuyền đưa vợ con lên điểm cao thuộc khu vực bản Pindon, cách đó tầm hơn 1km, đến tầm hơn 4 giờ sáng, anh Phương bảo một số người trẻ di chuyển 2 thuyền cùng đèn pin quay trở lại để cứu những người sống sót ở bản của mình. "Khi quay thuyền về, toàn bộ các ngôi nhà của bản đã chìm trong biển nước, lúc đó còn nhiều người bám vào các ngọn cây khóc lóc, kêu cứu trong hoảng loạn, có người bị nước lũ cuốn xé nát hết quần áo nom thảm thương vô cùng"- anh Phương kể.
"Sau hơn 1 giờ đồng hồ, nhóm của tôi đã cứu được hàng chục người bị nạn đưa lên bản Pindon. Về sau do mệt, kiệt sức quá tôi đành dừng lại để chờ đoàn cứu hộ vào cứu mọi người"- anh Phương ngậm ngùi.
Đến nay, những hộ người Việt bị thiệt hại sau thảm họa đang được gia đình ông Vũ Văn Đương ở bản MitSamphanh, huyện Sanamxay, tạo điều kiện chỗ ở, ăn uống hàng ngày.
Những nghĩa tình cao đẹp của người Việt Nam đã phần nào tạo sự an tâm, tin cậy của những hộ bị ảnh hưởng nơi đất khách. Chị Vi Thị Thoa cho biết: "Sau khi mất hết nhà cửa, gia đình tôi đang sống tại gia đình anh Đương. May được gia đình anh cho đồ để mặc, hai đứa con có cái ăn chứ ở nơi đất bạn không biết bấu víu vào ai".
Bên cạnh sự giúp đỡ của các gia đình người Việt tại Sanamxay, cộng đồng người Việt tại tỉnh Attapeu cũng đang nỗ lực vận động, đưa những chuyến hàng cứu trợ vào cho những gia đình bị thiệt hại.
Theo Quang Hiếu/Dân Việt