Với quyết định đóng cửa thành phố Vũ Hán, đô thị lớn với 11 triệu dân, Trung Quốc đang thực hiện một chiến thuật đã có từ nhiều thế kỷ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, lần này là một loại viêm phổi gây ra bởi virus corona.
Quy mô lớn chưa từng có tiền lệ
Các chuyên gia nhận định quy mô đáng kinh ngạc của việc phong tỏa lần này, khi Vũ Hán là một đô thị trung chuyển lớn hơn nhiều thủ đô trên thế giới, là động thái ở quy mô chưa từng có tiền lệ.
"Những gì đang diễn ra là điều không thể tin nổi", giáo sư Howard Markel, chuyên gia lịch sử y học tại Đại học Michigan, Mỹ, nhận xét. Ông Markel cho biết chưa từng có trường hợp nào số lượng người bị cô lập trong một biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lại lớn đến như vậy.
Bằng cách giới hạn sự di chuyển của hàng triệu người trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe công cộng, Trung Quốc đang phải tìm một biện pháp cân bằng với một lịch sử lâu dài, phức tạp đầy rẫy những mâu thuẫn và lo ngại về xã hội, chính trị và sắc tộc.
James G. Hodge Jr., giám đốc Trung tâm luật và chính sách y tế công cộng từ Đại học bang Arizona, Mỹ, cho rằng việc phong tỏa ở quy mô lớn hầu như chắc chắn sẽ dẫn tới các tác động về vấn đề quyền con người. Biện pháp như vậy sẽ khó có thể được áp dụng tại Mỹ do trái với hiến pháp nước này.
"Biện pháp này rất dễ phản tác dụng. Nói chung, đây là một bước đi mạo hiểm", ông Hodge nói, cho rằng việc phong tỏa thành phố đã ngăn chặn người khỏe mạnh có thể rời khỏi vùng ổ dịch, khiến họ có nguy cơ lớn nhiễm bệnh dù đáng ra có thể rời đi an toàn.
Để đối phó với sự lan rộng của virus, xuất hiện vào cuối tháng 12/2019 và đến nay đã khiến 17 người tử vong cùng 500 ca lây nhiễm, chính quyền Trung Quốc cho biết đã hủy bỏ tất cả các chuyến bay và chuyến tàu rời khỏi Vũ Hán từ 10h sáng ngày 23/1. Các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tàu điện ngầm, phà, bị đình chỉ hoạt động trong thành phố.
Giáo sư Hodge cho biết việc phong tỏa có thể phát huy hiệu quả nếu được áp dụng có chọn lọc với những người đã mắc bệnh hoặc bị nghi ngờ đã nhiễm bệnh. Biện pháp hiện áp dụng tại Vũ Hán, với việc thiết lập hàng rào an ninh y tế, thậm chí còn đi xa hơn những gì diễn ra trong quá khứ.
"Cách ly có thể được hiểu là người ta không thể ra khỏi nhà, không được đến trường, đi làm hay đi nhà thờ", ông Hodge nói. Tuy nhiên, chuyên gia từ Đại học Arizona nhận định chính quyền Trung Quốc đã thiết lập một "vành đai bao quanh thành phố, không cho phép người ra vào".
"Tôi đã khóc khi ôm mẹ trước lúc lái xe đi"
Cảm giác hoảng loạn bao trùm trung tâm thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hôm 23/1 khi thành phố 11 triệu dân bị phong tỏa trong nỗ lực cách ly virus chết người được cho là xuất phát từ đây.
Đúng 10h, giới chức trách cấm tất cả các tuyến đường giao thông từ thành phố đang ngập trong lo lắng này, ngưng hệ thống tàu điện ngầm, xe bus và phà, cũng như đóng cửa sân bay và ga tàu hỏa.
Các kệ siêu thị trống trơn và nhiều khu chợ địa phương bị vét sạch hàng hóa giữa lúc cư dân đổ xô dự trữ nhu yếu phẩm và khép cửa ở trong nhà vì lo ngại nguy cơ lây bệnh. Các trạm xăng bị quá tải vì tài xế kéo tới dự trữ nhiên liệu giữa những tin đồn rằng nguồn nhiên liệu dự trữ cạn kiệt. Cư dân địa phương cho biết các tiệm thuốc đã vị vét tới những chiếc khẩu trang cuối cùng.
Một nhân viên tập đoàn Jiuzhou Express Pharmaceutical cho biết hơn 500.000 mặt nạ đã được công ty này bán ra thị trường trong ngày 21/1, trong đó một lượng lớn chuyển đến Vũ Hán. Người này cho biết số lượng mặt nạ bán ra trong ngày 22/1 có thể cao gấp đôi so với ngày 21/1.
Trên đường phố ở Vũ Hán, chỉ lác đác vài người đi bộ. Các gia đình hủy kế hoạch đoàn tụ trong dịp Tết Nguyên đán - vốn là thời gian sum họp gia đình theo truyền thống lâu đời ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Các lực lượng cảnh sát đặc biệt tuần tra tại nhiều ga tàu. Cư dân và các viên chức chính phủ được yêu cầu đeo khẩu trang ở tất cả các không gian công gộng.
“Khi tôi đọc tin tức lúc thức giấc, tôi cảm thấy như đang phát điên. Quả là hơi trễ rồi. Các biện pháp của chính phủ vẫn chưa đủ”, Xiao - một giáo viên tiểu học 24 tuổi ở Vũ Hán, nói với Guardian.
|
Cảnh sát Trung Quốc phong tỏa nhà ga ở thành phố Vũ Hán ngày 23/1. Ảnh: SCMP. |
Một số người dân đăng tải những hình ảnh lên mạng xã hội về những đồ ăn dự trữ mua được trong siêu thị, bao gồm mì ăn liền và nhiều món ăn vặt. “Không đi ra ngoài nữa… thì tôi sẽ không mắc bệnh”, một người viết trên Weibo. “Hi vọng Vũ Hán sẽ sớm được hỗ trợ”.
Từ đêm 22/1, một số cư dân đã vội vã rời khỏi Vũ Hán trước khi lệnh cấm phương tiện giao thông công cộng đi vào hiệu lực lúc 10h ngày 23/1, tạo ra những hàng dài đông đúc ở sân bay và ga tàu. Sự lo lắng càng chồng chất khi xuất hiện những thông tin rằng bệnh nhân bị từ chối ở các bệnh viện vì không đủ chỗ.
“Người nhiễm bệnh có thể ở ngay bên cạnh bạn và bạn không hề hay biết. Đó là điều đáng sợ hơn cả”, một cư dân tên Xiao chia sẻ. Xiao đã không bước chân ra khỏi nhà từ hôm 19/1.
Chen Yan, một kỹ sư công nghệ thông tin 35 tuổi, đã đến Vũ Hán với vợ và con trai 5 tuổi để nghỉ lễ cùng gia đình, cuối cùng quyết định lái xe trở về nhà ngay trong đêm 22/1. Cha mẹ Yan quyết định ở lại Vũ Hán.
"Tôi cảm thấy mọi chuyện đang chuyển biến xấu nhanh chóng. Nhưng cha mẹ tôi không muốn rời đi, dù tôi có thuyết phục họ thế nào chăng nữa. Mẹ tôi muốn ở nhà như mọi dịp Tết trước đây, vì thế chúng tôi cùng ăn tối vào hôm 22/1. Tôi đã khóc khi ôm mẹ trước lúc lái xe đi", Yan nói.
Lịch sử cách ly người dân ngăn ngừa dịch bệnh
Thực tiễn việc cô lập người dân và hàng hóa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã có lịch sử từ thời cổ đại. Vào thế kỷ 14, các tàu thuyền đến Venice trong thời kỳ đại dịch Cái chết Đen đã bị yêu cầu phải neo đậu ngoài khơi 40 ngày trước khi được cho phép cập bến.
Quốc gia 7 triệu dân Sierra Leone từng ra lệnh người dân chuẩn bị "ở trong nhà trong vòng 3 ngày" vào tháng 9/2014 để 7.000 đội y tế và nhân viên cộng đồng tìm kiếm các nạn nhân của dịch Ebola còn lẩn trốn.
Trước đó vài tháng, nhà chức trách Liberia đã lập ra West Point, một khu ổ chuột ở bờ biển phía Tây, để dồn từ 60.000 đến 120.000 người nhiễm virus Ebola vào các lán trại, trong thời kỳ cách ly vì đại dịch bùng phát. Quyết định này đã dẫn tới các vụ xô xát bạo lực giữa người dân và lực lượng an ninh, cũng như khiến nhiều người phải tụ tập cùng nhau để tìm kiếm cứu trợ nhân đạo, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trong đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, cơ quan y tế Canada đã yêu cầu bất cứ ai ở thành phố Ontario có triệu chứng về bệnh truyền nhiễm phải ở trong nhà trong vài ngày do lo ngại dịch bệnh lan truyền trong thời gian nghỉ lễ Phục sinh. Trong khi đó, tại Bắc Kinh, hơn 4.000 người bệnh bị cách ly, trong khi 300 sinh viên có tiếp xúc với những người mắc bệnh bị giam tại một doanh trại quân đội trong 2 tuần.
Cà nhà sử học cũng chỉ ra biện pháp phong tỏa, cô lập đôi khi được sử dụng có chọn lọc nhắm vào một nhóm dân cư.
Trong đại dịch Cái chết Đen vào thế kỷ 14, các chính quyền châu Âu triển khai binh lính vũ trang trên đường phố và các điểm ra vào thành phố nhằm ngăn chặn các thương nhân, những người mắc bệnh phong và các nhóm thiểu số như Do Thái.
Trong khi đó, khi dịch tả bùng phát tại châu Âu vào những năm 1830, chính quyền thành phố Naples của Italy đã hạn chế sự đi lại của gái mại dâm và người ăn xin, những người được cho là mang theo mầm bệnh.
Năm 1892, những người Nga gốc Do Thái đã mang dịch sốt phát ban vào khu vực Hạ Đông của Manhattan, New York. Nhà chức trách Mỹ khi đó đã cách ly không chỉ những người bệnh mà còn cả những người hàng xóm và bất cứ ai họ chào trên phố. Địa điểm cách ly là một hòn đảo ngoài khơi quận Bronx.
"Đó là mặt tối của biện pháp cách ly, khi người ta lạm dụng nó như một công cụ xã hội thay vì mục đích khoa học là một công cụ y tế", giáo sư Markel nói.
Theo Duy Anh/Zing