Công hàm cho biết, liên quan đến Công hàm số CML/14/2019 ngày 12/12/2019 và nhằm phản hồi đệ trình cùng ngày của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa; và Công hàm số CML/11/2020 ngày 23/3/2020 của Phái đoàn thường trực Trung Quốc gửi Tổng thư ký LHQ, Việt Nam bày tỏ lập trường nhất quán như sau:
Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Những yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.
|
Ảnh minh họa. |
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam khẳng định Công ước LHQ về Luật Biển (Công ước) 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo đó, vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121 của Công ước; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất; các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng.
Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.
Lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại LHQ và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan.
Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đề nghị Tổng thư ký LHQ lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của LHQ.
Theo Bình Giang/Tiền Phong