Tối 21/4 theo giờ địa phương, Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết Ba Lan cung cấp cho Ukraine một lượng lớn vũ khí phòng thủ, đồng thời bày tỏ "quan điểm của Đức về vấn đề này rất mơ hồ". Ông Morawiecki sau đó hứa hẹn về việc sẽ "liên lạc với Thủ tướng Đức Olaf Schultz càng sớm càng tốt để thuyết phục ông thay đổi lập trường đó".
Trước đó, trong một phát biểu hôm 2/4, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phàn nàn về việc các lệnh trừng phạt Nga không hiệu quả như kỳ vọng khi đồng rúp đang tăng giá, đồng thời kêu gọi châu Âu áp dụng "các biện pháp trừng phạt thực tế hơn" với Nga. Ít ngày sau đó, tại cuộc họp báo ở thủ đô Warsaw hôm 4/4, ông Morawiecki lên tiếng chỉ trích Đức vì các mối giao thương với Nga và cáo buộc Berlin cản trở trừng phạt Nga.
"Bất kỳ ai đọc biên bản các cuộc họp của EU đều biết Đức là trở ngại chính trên con đường áp đặt biện pháp trừng phạt cực kỳ cứng rắn với Nga", ông Morawiecki tuyên bố.
|
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki. Ảnh: Polishnews |
Hôm 19/4, Thủ tướng Đức Olaf Schultz khẳng định "các loại vũ khí có thể gửi cho Ukraine trong kho dự trữ riêng của quân đội Đức đã cạn kiệt". Việc gửi vũ khí đến Ukraine sẽ tước đi nguồn lực quốc phòng cần thiết của quân đội Đức. Tuy vậy, chính phủ Đức vẫn nêu quan điểm sẽ duy trì hợp tác chặt chẽ với các nguồn cung vũ khí trong và ngoài nước, tiếp tục hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2, Đức không "mặn mà" với những lời kêu gọi viện trợ vũ khí cho Ukraine. Thế nhưng, tới ngày 26/2, Đức thay đổi chính sách, chấp thuận việc cung cấp vũ khí cho Ukraine khi gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 hệ thống phòng không di động Stinger cho Ukraine. Đồng thời cho phép Hà Lan và Estonia gửi các vũ khí do Đức sản xuất đã lỗi thời cho Ukraine. Ngoài ra, Đức còn gửi thêm lô tên lửa Strela từ thời Liên Xô, 100 súng máy MG3 cùng đạn dược cho Ukraine.
Nguyễn Nguyễn (Theo iFeng)