|
Hiểu lầm tai hại về "đường dây đỏ" chủ yếu là từ các sản phẩm văn hóa đại chúng, như bộ phim kinh điển "Dr. Strangelove" của Hollywood |
Câu trả lời là không, "đường dây đỏ" không phải là một... đường điện thoại trực tiếp nối bộ máy chóp bu của chính phủ 2 nước Mỹ và Liên Xô như chúng ta nghĩ, hay ít nhất là giống như các sản phẩm văn hóa, giải trí mô tả, tiêu biểu là các bộ phim bom tấn về chiến tranh hạt nhân của Hollywood.
Tuy nhiên mục đích sử dụng của nó cũng không kém phần quan trọng và khẩn cấp, góp phần quan trọng trong việc tránh cho 2 cường quốc Mỹ và Liên Xô lao vào một cuộc chiến hạt nhân có thể hủy diệt trái đất.
Vậy "đường dây đỏ" trên thực tế là gì?
Tên gọi "đường dây đỏ" được cho là ra đời từ sự hiểu lầm trong chính nội bộ Quân đội Mỹ. Thời đó, các máy điện thoại sử dụng cho mục đích bảo vệ nước Mỹ khỏi nguy cơ tấn công hạt nhân, được vận hành bởi Bộ tư lệnh Phòng không Lục địa và thường được sơn màu...đỏ. Chính vì vậy có lẽ những cá nhân không liên quan đã đồn thổi ra dư luận rằng chúng là các đường dây nóng giữa Mỹ và Liên Xô.
"Đường dây đỏ" thực tế được thiết lập vào năm 1963, sau khi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev kéo 2 nước đến bờ vực chiến tranh hạt nhân, trong thời kỳ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, chỉ vì độ trễ lớn của các kênh liên lạc giữa 2 bên dẫn tới nhiều sự hiểu nhầm.
|
Nhân viên trực "đường dây đỏ" phía Mỹ đang xử lý một bức điện được gửi từ phía Liên Xô, ảnh chụp vào những năm 1960 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ) |
Hệ thống sử dụng phương thức điện tín truyền thống, với các cổng tiếp nhận đầu cuối do các thông dịch viên quân sự túc trực. Nhiệm vụ của họ là chuyển tiếp thông điệp từ 2 vị tổng tư lệnh 2 nước qua một đường cáp ngầm xuyên Đại Tây Dương. Cổng điện tín của phía Mỹ được đặt tại Lầu Năm Góc và tồn tại cho đến tận ngày nay.
Theo năm tháng, cùng với sự phát triển của công nghệ, hệ thống liên lạc đặc biệt trên cũng được nâng cấp với các công nghệ mới như: vệ tinh, máy fax, máy vi tính, email. Mục đích của nó tựu chung lại là để nhanh chóng trao đổi thông tin giữa 2 phía, song không qua phương thức truyền miệng để tránh những hiểu lầm "tai hại".
Thông điệp đầu tiên được Washington gửi cho phía Moskva là vào ngày 30/8/1963, với nội dung: "Con cáo nâu nhanh nhẹn nhảy qua lưng con chó lười biếng 1234567890".
|
Sự căng thẳng của Chiến tranh Lạnh khiến nhu cầu liên lạc khẩn cấp giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô là rất cấp bách, trong khi phương thức liên lạc qua điện thoại lại tỏ ra thiếu ổn định, chưa kể những hiểu nhầm có thể xảy ra (Ảnh: J. Scott Applewhite/AP) |
Vị Tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng hệ thống trên là ông Lyndon Johnson vào năm 1967. Cuộc trao đổi ấy là với Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin về cuộc chiến 6 ngày tại Trung Đông.
Sau đó Tổng thống Nixon sử dụng nó để trao đổi với phía Liên Xô về căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1971, và liên quan đến căng thẳng tại Trung Đông năm 1973. Tổng thống Jimmy Carter sử dụng nó để thảo luận về việc Liên Xô đưa quân tới tham chiến tại Afghanistan.
Suốt thời Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Ronald Reagan được cho là người sử dụng hệ thống trên thường xuyên nhất, bởi ông không giới hạn nó cho các tình huống khủng hoảng như những người tiền nhiệm mà còn cho nhiều công việc khác iên quan đến quan hệ 2 nước.
"Đường dây đỏ" hiện đại giờ ra sao?
Việc Chiến tranh Lạnh kết thúc khiến vai trò của hệ thống liên lạc khẩn cấp trên mờ nhạt đi rất nhiều, song không có nghĩa là nó trở thành thứ đồ bỏ đi. Dưới thời Tổng thống Obama, nó tiếp tục được thường xuyên nâng cấp, và cho tới ngày nay, các nhân viên vận hành của 2 phía vẫn liên tục kiểm tra nó hàng giờ để đảm bảo tính sẵn sàng khi cần thiết.
Khác với đường điện tín mã hóa thời Chiến tranh Lạnh, nay đã lỗi thời, đường dây đỏ hiện đại là hệ thống truyền dữ liệu, như các email, qua một đường kết nối vệ tinh riêng biệt, được bảo mật nghiêm ngặt.
|
"Đường dây đỏ" hiện đại với các thiết bị công nghệ mới nhất, được nâng cấp thường xuyên (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ) |
Lần gần nhất hệ thống được sử dụng là vào hồi tháng 10 vừa qua, khi Tổng thống Barack Obama dùng nó để gửi thông đệp cảnh báo đến điện Kremlin, phản đối việc Nga sử dụng tin tặc để "quấy nhiễu" cuộc bầu cử Mỹ.
Nhiều quan chức tình báo nhận xét rằng, việc ông Obama phải sử dụng đến kênh liên lạc trên cho thấy ông đánh giá sự việc trên là nghiêm trọng đến thế nào.