Mặc dù nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra hoạt động của con người có thể ảnh hưởng đến màu sắc của một số dòng sông, nhưng những thay đổi này có thể không nhất thiết là vĩnh viễn, hãng Sputnik đưa tin.
Sau khi kiểm tra khoảng 235.000 hình ảnh vệ tinh được chụp từ năm 1984 đến 2018 thông qua chương trình Landsat, do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ hợp tác, một nhóm các nhà khoa học đã xác định rằng một phần ba các con sông ở Mỹ đã có sự thay đổi đáng kể về màu sắc trong 34 năm qua.
Theo trang Live Science, hơn một nửa số hình ảnh cho thấy các dòng sông với màu vàng chủ đạo, một phần ba hình ảnh màu xanh lá cây và chỉ 8% hình ảnh cho thấy các dòng sông có màu xanh lam.
“Hầu hết các con sông đang thay đổi dần dần và không thể nhận thấy được bằng mắt người. Tuy nhiên, những khu vực bị thay đổi nhanh nhất có nhiều khả năng là do con người gây ra" - Ông John Gardner, một nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm thủy văn toàn cầu của Đại học Bắc Carolina và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Các dòng sông thay đổi màu sắc liên tục. Ảnh: AP
Trong quá trình nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu đã thu thập 16 triệu phép đo trong vòng 34 năm trên khoảng 108.000 km sông ở Mỹ.
Màu sắc của sông thường được xác định bởi "lượng trầm tích lơ lửng, tảo, ô nhiễm hoặc chất hữu cơ hòa tan trong nước". Nước sông có xu hướng chuyển sang màu xanh lục khi tảo nở nhiều hơn hoặc khi nước mang ít trầm tích hơn. Trong khi màu vàng có nghĩa là sông mang nhiều phù sa hơn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một phần ba các con sông đã đổi màu. Hình ảnh vệ tinh hiển thị các khu vực là nơi có sự hoạt động của con người như "đập, hồ chứa, nông nghiệp và phát triển đô thị" thì màu săc của một số con sông sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sự thay đổi đó chỉ là tạm thời.
"Bạn hoàn toàn có thể thấy những dòng sông sẽ tiếp tục thay đổi màu sắc nếu cách quản lý các dòng sông tại địa phương tiến bộ hơn" - ông Gardner cho biết.
Theo Tú Quyên/PLO