Vào đầu những năm 1960, tàu ngầm USS Thresher dẫn đầu một thế hệ tàu ngầm mới với công nghệ tiên tiến vượt bậc, bao gồm hệ thống sonar tinh vi và tên lửa chống ngầm ASROC. Đây là bước tiến lớn trong kỹ thuật hải quân của Mỹ khi con tàu được hạ thủy vào năm 1961.
Tuy nhiên, bi kịch đã xảy ra chỉ hai năm sau đó, khi Thresher bị chìm trong một cuộc thử nghiệm lặn sâu ngoài khơi Massachusetts, khiến toàn bộ 129 thủy thủ thiệt mạng. Hiện giờ, các tài liệu được giải mật đang dần làm sáng tỏ nguyên nhân dẫn đến thảm họa tàu ngầm tồi tệ nhất lịch sử Hải quân Mỹ.
USS Thresher được kỳ vọng sẽ là biểu tượng của sức mạnh Hải quân Mỹ. Với thân tàu hình xì gà và hệ thống sonar BQQ-2 tiên tiến nhất thời bấy giờ, Thresher là tàu ngầm đầu tiên kết hợp khả năng tấn công và săn lùng diệt ngầm. Trang bị bốn ống phóng ngư lôi có khả năng phóng các tên lửa chống tàu và chống ngầm, Thresher còn sở hữu tên lửa ASROC - một sự kết hợp giữa công nghệ tên lửa và ngư lôi, mang theo đầu đạn hạt nhân với sức công phá khủng khiếp.
Một trong những điểm ấn tượng của USS Thresher là lò phản ứng hạt nhân S5W, cho phép con tàu hoạt động với tầm hoạt động không giới hạn. Tất cả những đặc điểm này khiến Thresher trở thành một trong những tàu ngầm hiện đại và mạnh mẽ nhất của lực lượng Hải quân Mỹ thời bấy giờ.
Hơn 60 năm sau, số phận cuối cùng của Thresher vẫn còn là một bí ẩn. Ngày 9/4/1963, sau 6 tháng sửa chữa và nâng cấp, USS Thresher rời cảng Portsmouth với 129 người trên tàu và bắt đầu các cuộc thử nghiệm lặn sâu cùng tàu hỗ trợ Skylark, cách Cape Cod, Massachusetts khoảng 190 hải lý về phía đông. Sau khi hoàn thành lần lặn thử đầu tiên, Thresher thực hiện lần lặn thứ hai với mục tiêu lặn sâu khoảng 1.300 feet.
Tuy nhiên, trong lần lặn thứ hai vào ngày 10/4/1963, khi gần đạt đến độ sâu thử nghiệm, Skylark nhận được một cuộc gọi cho biết: "Chúng tôi đang gặp khó khăn nhỏ, có góc nghiêng…" và tiếp theo là một thông báo gián đoạn. Một truyền tin khác bao gồm cụm từ, "vượt quá độ sâu thử nghiệm ...".
Sau đó, Skylark phát hiện ra một tiếng ồn tần số thấp, năng lượng cao. Tiếng ồn đó là đặc trưng của một vụ nổ, đó là nơi mà vỏ của một con tàu bị nghiền nát bởi áp lực cực lớn của nước biển xung quanh nó.
Hải quân Mỹ nhanh chóng tiến hành một cuộc tìm kiếm chuyên sâu, sử dụng tàu hải dương học Mizar. Phải mất hơn hai tháng, tàu Mizar mới phát hiện thấy xác của USS Thresher vào ngày 25/6/1963, ở độ sâu 8.400 feet dưới đáy biển, bị vỡ tan thành sáu mảnh.
Kết luận chính thức của Hải quân Mỹ cho rằng, lỗi kỹ thuật hàn đã khiến một đường ống trên tàu ngầm bị hỏng. Giả thuyết khi đó là có ít nhất một mối hàn bị bung khiến nước biển tràn vào tàu, gây chập điện dẫn đến lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngừng hoạt động.
Phó đô đốc đã nghỉ hưu Ron Thunman - người từng chỉ huy tàu ngầm Plunger - tàu chị em của Thresher đã tóm tắt kết luận của hải quân trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2012. Ông Thunman cho biết: “Một đường ống bị vỡ và nước tràn hệ thống điện. Điều đó khiến lò phản ứng ngừng hoạt động”. Giải pháp đối với các thủy thủ ở thời điểm đó là cho nổ các bể dằn của tàu ngầm khi con tàu đang lặn sâu. Tuy nhiên, khí nén từ vụ nổ bể dằn xì ra với áp suất cao khiến hơi nước trong buồng máy bị đóng băng, bít chặt các van này và khiến con tàu không thể nổi lên được.
“Chỉ huy của tàu Thresher không có động cơ đẩy, không có hệ thống làm nổi và như vậy, họ đã mất con tàu”.
Ông Polmar cùng cộng sự của mình là Bruce Rule đã viết một bài phân tích trên tờ Navy Times vào năm 2013, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Thresher, lập luận về một nguyên nhân khác dẫn đến vụ tai nạn. Theo bài phân tích này, các bằng chứng về âm học chỉ ra rằng, một sự cố về điện chứ không phải vỡ đường ống, đã khiến các máy bơm làm mát của lò phản ứng ngừng hoạt động.
Ông Polmar từng có cuộc nói chuyện với sĩ quan Dean Axene - chỉ huy đầu tiên của tàu ngầm Thresher. Người này cho biết, thông điệp cuối cùng mà các thủy thủ của Thresher gửi đến các tàu trên mặt nước đã củng cố giả thuyết của ông. Ngay trước khi mất liên lạc, Thresher đã gửi một tin nhắn có nội dung: "có một số khó khăn nhỏ, đang nổi lên, cố gắng cho nổ”.
Dean Axene cho biết, điều duy nhất mà ông có thể nghĩ đến ở độ sâu thử nghiệm 369m mà Thresher mô tả là khó khăn nhỏ, chính là việc lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động vì điều này đôi khi vẫn xảy ra và có một quy trình để khởi động lại nó.
Trong một bức thư ngỏ gửi tới các chỉ huy của Hải quân Mỹ năm 2013, ông Rule viết rằng, thông điệp nói trên là bằng chứng cho thấy những khó khăn đó không liên quan đến sự cố nước tràn vào bên trong.
Những chi tiết mới được công bố đã thu hút sự chú ý bởi thực tế là vẫn còn rất nhiều bất đồng về nguyên nhân khiến tàu Thresher không thể hoạt động được và bị chìm xuống đáy đại dương.
Đến nay, vẫn có rất nhiều người mong muốn tìm kiếm câu trả lời cho vụ tai nạn của tàu ngầm Thresher, bao gồm các cựu sĩ quan hải quân và thành viên gia đình của các thủy thủ đoàn. Họ hy vọng sẽ được biết nhiều thông tin hơn khi Hải quân công bố thêm tài liệu.
Mặc dù nguyên nhân chính xác vẫn còn là một bí ẩn, nhưng sự cố của USS Thresher đã trở thành bài học quý giá cho Hải quân Mỹ. Thảm họa này đã thúc đẩy các cải tiến an toàn lớn trong các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, với chương trình Subsafe ra đời nhằm đảm bảo các tàu ngầm được chế tạo phải phù hợp hoàn toàn về hệ thống và vật liệu với bản thiết kế, trong đó mọi vật liệu và thành phần phải đáp ứng các yêu cầu của bản phác thảo và thông số kỹ thuật.
Quy trình vận hành lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm được thay đổi, cho phép thủy thủ đoàn sử dụng năng lượng nhiệt để tạo lực đẩy trong khi lò phản ứng tái khởi động sau khi bị ngắt trong trường hợp khẩn cấp.
Không thể biết được có bao nhiêu sinh mạng thủy thủ Mỹ được cứu sau khi chương trình Subsafe được thực hiện. Dù thảm họa tàu USS Thresher vẫn còn nhiều điều chưa được làm rõ, có thể chắc chắn một điều rằng các thủy thủ tàu ngầm Mỹ hiện nay đã an toàn hơn nhờ sự hy sinh của những đồng đội cách đây hơn nửa thế kỷ…