Mời độc giả xem video: Cảnh bắt giữ cựu Tổng thống Georgia Mikheil Saakashvili tại Kiev. (Nguồn RT) |
|
Châu Âu đang trải qua giai đoạn khó khăn về kinh tế, mối đe dọa khủng bố thường trực, nạn di cư có chiều hướng tái bùng phát, các vấn đề liên quan đến Brexit... khiến làn sóng dân túy, cực hữu ngày càng gây ảnh hưởng đến sự đoàn kết của liên minh. Vì vậy, mục tiêu quan trọng nhất lúc này của EU là củng cố sự đoàn kết và tính bền chặt của khối trước khi tiến hành mở rộng.
Trong khi đó, quốc gia nộp đơn xin gia nhập lại là một Ukraine đang có nền kinh tế trì trệ, nạn tham nhũng lan tràn và hệ thống chính trị không được đa số người dân sự ủng hộ.
Còn nhớ, Hội nghị Thượng đỉnh EU - Ukraine lần thứ 19 diễn ra tại thủ đô Kiev của Ukraine trong 2 ngày 12 và 13-7-2017 tập trung vào các vấn đề nghị sự: quá trình cải cách của Ukraine, triển vọng gia nhập EU của Kiev, chương trình hỗ trợ Ukraine của EU, cuộc xung đột ở Donbass... đã kết thúc mà không có tuyên bố chung.
Trong khi Ukraine và cá nhân Tổng thống Poroshenko mong muốn trong tuyên bố chung có nội dung EU ghi nhận nỗ lực và hoan nghênh mong muốn gia nhập EU của Ukraine, thì một số thành viên EU đã phản đối triển vọng này. Cụ thể là Hà Lan - quốc gia đã từng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề Ukraine gia nhập EU. Ngoài ra, cả Đức và Pháp cũng được cho là gián tiếp ủng hộ quan điểm của Amsterdam.
Tại Hội nghị, Tổng thống Ukraine Poroshenko tỏ ra lạc quan trong tuyên bố về kế hoạch thúc đẩy việc gia nhập Liên minh Hải quan các nước EU, gia nhập khu vực Shenghen, trở thành một phần của thị trường số và năng lượng của châu Âu. Tuy nhiên, các mục tiêu này của Ukraine vẫn còn rất xa vời và khó khăn nếu trong EU chưa có sự thống nhất về vấn đề Ukraine.
|
Năm 2015, lãnh đạo Cục Tình huống khẩn cấp Sergiy Bochkovsky bị còng tay giữa cuộc họp hội đồng bộ trưởng Ukraine vì tham nhũng. |
Không chỉ một vài quốc gia trong EU tiếp tục phản đối triển vọng gia nhập EU của Ukraine mà trong nội bộ của từng quốc gia thành viên EU vẫn có các đảng chính trị đối lập có quan điểm thân Nga và phản đối Ukraine đang gia tăng sức ép với chính quyền ở từng nước. Hội nghị Thượng đỉnh EU - Ukraine chỉ được ghi dấu bằng lời cam kết: EU sẽ hỗ trợ Ukraine thành lập Ủy ban Chống tham nhũng trong khuôn khổ hệ thống tư pháp hiện hành (trực thuộc Quốc hội), thay vì lập ra các tòa án chống tham nhũng riêng biệt.
Để tích cực ghi điểm với EU, giới chức Ukraine thời gian qua đã khá mạnh tay trong cuộc chiến chống tham nhũng chứa đựng vô vàn đầu mối phức tạp. Trong chiến dịch bố ráp ngày 24-5-2017, 23 công chức ngành thuế đã bị bắt giữ do bị cáo buộc biển thủ những khoản công quỹ ước tính lên đến hơn 3 tỷ euro. Đây là một mẻ lưới chống tham nhũng lớn chưa từng thấy tại Ukraine.
Hãng tin CNN và đài RFI dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết: 1.700 cảnh sát và 500 kiểm sát viên quân sự đã được huy động để tiến hành 454 vụ khám xét tại 15 vùng của Ukraine. Các nhân viên ngành thuế trên bị nghi ngờ thông đồng với nhiều quan chức dưới thời chế độ của Tổng thống Viktor Yanoukovitch. Tuy nhiên, người dân và công luận Ukraine vẫn tỏ vẻ hoài nghi về tính minh bạch của chiến dịch chống tham nhũng cũng như khả năng công lý được thực thi.
Chưởng lý Yury Loutsenko khi ấy phải đối mặt với nhiều chỉ trích: Tại sao chỉ là 23 công chức này mà không là những người khác? Tại sao không một quan chức cao cấp nào của chế độ cũ bị đưa ra xét xử ngay khi cựu tổng thống đào thoát năm 2014? Chưởng lý Yury Loutsenko cũng bị nghi ngờ đã dựng lên chiến dịch truyền thông này, đúng 1 năm sau khi nhậm chức, và ngay sau ngày Tổ chức Minh bạch Quốc tế ra báo cáo chỉ trích cuộc chiến chống tham nhũng tại Ukraine.
Nạn tham nhũng ở Ukraine gần như đã ăn sâu vào mọi tầng lớp xã hội, từ cảnh sát, hải quan cho đến quan tòa. Và hầu như không có ngành nghề kinh doanh nào thoát khỏi hai chữ “hối lộ”.
Cựu Bộ trưởng Kinh tế Sherementa - đã phải thừa nhận rằng: “Ngày nay người dân Ukraine vẫn tin rằng hối lộ là chuyện bình thường”. Ông Sheremeta đã từ chức bởi thất vọng với tốc độ đổi mới quá chậm chạp, chưa có chiến lược giảm tệ quan liệu, những tồn dư thiếu hiệu quả từ hệ tống đã tồn tại cách đây hàng chục năm.
Một cuộc thăm dò của Viện Gallup tiến hành vào tháng 10 vừa qua cho thấy: 2/3 số người dân Ukraine theo một cách nào đó đều đã từng dính dáng tới việc hối lộ. Rất nhiều người đã thừa nhận là họ đã lén đưa tiền cho các y tá và bác sĩ để được phục vụ tốt hơn. Họ hối lộ cảnh sát giao thông để không bị phạt. Những người khác thì hối lộ để ký kết hợp đồng với nhà nước hoặc đút lót tiền để con cái của họ vào các trường như ý...
Cho đến nay, cuộc xung đột giữa các cơ quan chống tham nhũng và các Tổng Công tố của Ukraine (GPU) có thể dẫn đến xung đột gay gắt, mà “nạn nhân của cuộc chiến này sẽ là toàn bộ đất nước Ukraine”. Lời tuyên bố này được ông Nazar Holodnitsky, Tổng Công tố, chuyên trách vấn đề chống tham nhũng đưa ra vào ngày 11-12.
“Trong tất cả các cuộc chiến tranh đều có những nạn nhân. Ở đây tôi không muốn nói về số nạn nhân cụ thể, số nạn nhân cuối cùng, mà tôi muốn nói nạn nhân trong phạm vi cả nước, bởi vì thay vì phải đấu tranh chống tham nhũng, chúng ta lại đang đấu với nhau...”, ông Holodnitsky nói khi bình luận về cuộc xung đột giữa Cơ quan Công tố chống tham nhũng (SAP), Cơ quan Chống tham nhũng quốc gia (NABU) và Các cơ quan chống tham nhũng khác (GPU).
Ông Holodnitsky đưa ra những lời bình luận nặng nề như thế sau khi Cục Di dân quốc gia Ukraine công bố thông tin về vụ bắt giữ một nhân viên NABU khi cố gắng hối lộ một quan chức của Cơ quan Di trú. Để phản ứng, NABU cho rằng, Văn phòng Tổng Công tố viên (SAP) và Các cơ quan an ninh Ukraine (SBU) cản trở hoạt động đặc biệt nhằm bóc trần các hoạt động tham nhũng trong Cơ quan Di trú. Sự việc này khiến Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko phải thừa nhận rằng, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đã vượt quá khuôn khổ “cạnh tranh hợp lý”.
Theo Quang Học/CAND