Tỷ phú bán giày (Delivery Happiness) là hành trình trở thành người giàu có hạnh phúc của của Tony Hsieh, triệu phú USD tự thân. Cuốn sách cuốn hút bởi một câu chuyện có thật về cuộc đời Tony Hsieh, từ việc ông đam mê kinh doanh từ nhỏ thế nào, lập nghiệp ra sao và xây dựng nên đế chế bán giày Zappos hùng mạnh.
Tỷ phú bán giày không phải cuốn sách dạy làm giàu mà truyền cảm hứng để người ta kiếm tiền một cách hạnh phúc và sống cuộc đời đáng sống.
|
Tony Hsieh trở thành triệu phú sau thành công của công ty quần áo và giày trực tuyến Zappos. Ảnh: Redux.
|
Giá trị của đồng tiền
Cuốn sách Tỷ phú bán giày không khó tiếp cận, nó phù hợp hầu hết độc giả. Nếu như có nhiều người đọc cuốn sách này và vận dụng được vào công việc của mình, môi trường làm việc sẽ trở nên dễ chịu hơn, ngày làm 8 giờ không chỉ để kiếm tiền nữa mà người ta còn kiếm tìm hạnh phúc của mình.
Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ học được những gì?
Họ học được cách xây dựng một tập thể gắn kết với không gian văn hóa đặc trưng và những giá trị cốt lõi riêng. Tony Hsieh thành công với Zappos vì ông có những cộng sự ăn ý và nhân viên rất mực đoàn kết, gắn bó với công việc.
Tony chú trọng việc tạo ra một môi trường làm việc hạnh phúc để mỗi nhân viên đều có thể coi công ty như ngôi nhà thứ hai của mình. Ngay cả khi trải qua khủng hoảng kinh tế, buộc phải sa thải 8% nhân viên, Tony vẫn hào phóng chi những khoản trợ cấp để hỗ trợ họ tối đa.
|
Cuốn sách Tỷ phú bán giày là câu chuyện về kinh nghiệm xương máu của Tony. Ảnh: Alphabooks.
|
Đó là lý do nhiều nhân viên Zappos chọn gắn bó với công ty, họ chấp nhận việc ở lại và bị giảm lương, dù công ty nhiều lần trên bờ vực phá sản. Họ đồng ý theo công ty từ San Francisco đến Las Vegas dù sau họ là mảnh đất từng gắn bó và còn có một gia đình.
Những cống hiến của họ đã được đền đáp xứng đáng khi Zappos phát triển thành công ty bán hàng trực tuyến lớn, được Amazon mua lại với thương vụ trao đổi cổ phiếu trị giá 1,2 tỷ USD.
Chìa khóa thành công của Zappos nằm ở việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp độc nhất. Tony đã từ chối nhiều ứng viên tiềm năng dù điều đó có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, đơn giản vì cảm thấy họ không hợp với văn hóa công ty. Tuyển những người làm hỏng văn hóa công ty, đó là sai lầm của Tony thời còn lãnh đạo LinkExchange và ông không muốn lặp lại sai lầm đó khi lèo lái Zappos.
Các công ty khác có thể bắt chước mô hình kinh doanh của họ, nhưng không sao chép được bản sắc riêng của họ. Đối với việc kinh doanh, họ chú trọng đến việc chăm sóc khách hàng. Ở Zappos, mọi nhân viên đều được đào tạo kỹ năng chăm sóc khách hàng. Đây không phải là nhiệm vụ của riêng bộ phận nào.
Bằng việc cung cấp một dịch vụ tốt, cùng sự kiên trì, nhẫn nại, thái độ chu đáo, họ đã dần giành được thị phần từ miếng bánh thương mại điện tử đầy béo bở.
Người lao động học được những gì?
Những người làm công ăn lương là lực lượng lao động đông đảo nhất. Đọc cuốn sách này, họ sẽ thấu hiểu hơn về những quyết định của những người làm lãnh đạo.
Thay vì nhăn nhó mỗi khi bị giảm lương hoặc sốc khi bị sa thải, họ hiểu vì sao lãnh đạo của mình buộc phải làm thế. Họ ý thức hơn về vai trò, nhiệm vụ của mình và hiểu rằng phần công việc mình làm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cả một công ty.
Những người muốn khởi nghiệp sẽ học được những gì?
Tony là người Mỹ gốc Á, được giáo dục trong một gia đình có nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Họ muốn ông học giỏi, có một công việc tốt và sống yên ổn.
Nhưng Tony lại đam mê kinh doanh từ trong máu. Ông khởi nghiệp từ khi mới… 9 tuổi, từ trang trại giun đất, làm cúc áo thủ công, bán tạp chí, cho đến công việc bán bánh pizza khi học ở Harvard.
Sau khi tốt nghiệp, Tony Hsieh được các công ty hàng đầu săn đón, làm việc nhẹ lương cao, nhưng ông không muốn chết mòn trong sự nhàm chán. Ông nghỉ làm thuê để khởi nghiệp thành với LinkExchange, sau này bán lại cho Microsoft với giá 265 triệu USD và trở nên giàu có.
Thành công khi còn rất trẻ, Tony vẫn không ngừng trăn trở với những câu hỏi: Hạnh phúc là gì? Tôi đang làm việc vì điều gì? Tony điểm lại cuộc đời mình, chẳng có điều hạnh phúc nào liên quan đến tiền cả. Thay vào đó, việc xây dựng sự nghiệp một cách sáng tạo làm ông hạnh phúc, tình bạn thân thiết khiến ông hạnh phúc, hay hạnh phúc chỉ đơn giản là ăn một củ khoai nướng sau khi bơi. Ông quyết định rời Microsoft, từ bỏ luôn cả số tiền lớn mà họ bỏ ra để giữ chân ông.
Việc đầu tư vào Shoessite.com của Nick Swinmurn là cơ duyên khiến Tony Hsieh cùng các cộng sự làm nên thành công của Zappos sau này. Từ vai trò nhà đầu tư và cố vấn, ông dần tham gia trực tiếp điều hành Zappos, sống chết với công ty, suýt phá sản nhiều lần. Thậm chí, ông từng phải bán gấp căn nhà của mình với mức giá rẻ không tưởng để cứu Zappos.
Khởi nghiệp thành công chưa bao giờ là điều dễ dàng, có câu No pain no gain, không đổ mồ hôi, sôi nước mắt thì sẽ không có vinh quang. Zappos đã trải qua nhiều khoảng thời gian khó khăn để trụ vững và trở thành dấu mốc thành công nhất trong sự nghiệp của Tony Hsieh.
|
Tony đã lên ý tưởng kinh doanh từ khi theo học Đại học Harvard. Ảnh: Las Vegas Review.
|
Thành công, hạnh phúc, rồi sao nữa?
Sau khi đã thành công, thịnh vượng về tài chính, Tony ngày càng đi sâu nghiên cứu về khoa học hạnh phúc. Ông dành phần cuối của cuốn sách để nói về điều này.
Tony muốn mang lại hạnh phúc cho khách hàng, mang đến hạnh phúc cho nhân viên và thông qua Zappos, ông muốn vận chuyển hạnh phúc đến cả thế giới.
Tony hy vọng các doanh nhân, những công ty khởi nghiệp sẽ lấy hạnh phúc làm giá trị cốt lõi trong mô hình kinh doanh của mình, như bài học mà ông đã tổng kết được khi điều hành Zappos.
Tony Hsieh đã qua đời vào tháng 11/2020 trong một tai nạn hỏa hoạn. Trước đó, ông đã nghỉ hưu và rời Zappos vào tháng 8 cùng năm.
Theo Hằng Nga/Zing