Nhiều ngày liền không thức ăn và nước uống, ngồi kẹt dưới những thùng hàng kim tiêm, khoai tây hay thịt trong một container đông lạnh. Đây chỉ phần trong vô vàn khó khăn mà người tị nạn phải trải qua trong chuyến hành trình dài đằng đẵng và nguy hiểm vào nước Anh.
“Không từ gì diễn tả được cảm xúc của tôi lúc này”, Almad Al Rashid viết trên twitter sau thông tin phát hiện 39 xác chết trong container đông lạnh ở Essex hôm 22/10 vừa rồi.
“Tôi thấy kinh sợ khi đọc tin tức về những xác chết đằng sau xe tải”, Rashid - một người Syria đến Anh năm 2015, cho hay. “Nó gợi nhớ lại những giây phút tưởng chết khi chúng tôi chẹt cứng trong những thùng thịt hay gà đông lạnh”.
Rashid cho rằng dứt áo ra đi khỏi quê hương là quyết định sống còn của người tị nạn khi vây quanh họ là bắn giết và chết chóc.
“Có thể sống sót qua những hoàn cảnh khắc nghiệt ấy và vực dậy đã là một chiến thắng”, người đàn ông nói. “Trái tim tôi hướng về những người đã khuất. Hãy cư xử nhân đạo, và hãy lên tiếng cho những người không có tiếng nói”.
|
Rashid - một người Syria đến Anh năm 2015, khẳng định dứt áo ra đi khỏi quê hương là quyết định sống còn của người tị nạn khi vây quanh họ là bắn giết và chết chóc. Ảnh: Guardian. |
Mạo hiểm bất chấp cái chết luôn chực chờ
Nhiều người tị nạn từng lo sợ sẽ chết trên đường cũng lên tiếng về vụ việc. “Tôi từng ở Calais trong năm tháng. Gần như ngày nào tôi cũng tìm cách chui vào một xe tải để trốn qua Anh”, Adam, 45 tuổi, buộc phải rời Sudan sau những hoạt động chống chính phủ của anh.
“Cảnh sát Pháp luôn tìm bắt và đánh đập chúng tôi. Đến khi tìm được một xe tải, tôi phải chui lủi trong đói khát ở đó suốt 15 tiếng đồng hồ. Tôi thấy rất buồn khi nghe tin về người chết. Người đó đã có thể là tôi”, người này kể lại.
“Nhưng với chúng tôi, đến Anh đồng nghĩa tính mạng được bảo vệ. Kể cả phải bỏ chạy thoát thân một lần nữa và phải trốn trong xe tải, tôi vẫn sẽ làm vậy. Người ta sẽ làm bất cứ điều gì để giữ mình sống sót. Thật buồn vì họ phải chết trước khi đến được nơi an toàn”.
Mohammad, 22 tuổi, chạy khỏi Iran bằng cách đi lậu trên xe tải chở thuốc và kim tiêm. “Tôi trốn sâu bên dưới đống thuốc trong nỗi sợ rằng tài xế hoặc cảnh sát sẽ phát hiện mình bất cứ lúc nào”, anh nói.
“Mặc dù không dám đột nhập xe tải, tôi biết mình chẳng còn lựa chọn nào. Tôi ở Calais 40 ngày và không đêm nào không tìm cách trốn thoát. Nhiều lần cảnh sát Pháp bắt, đánh tôi và ngăn tôi sang Anh. Lúc lên xe, tôi mặc nguyên bộ quần áo trước khi đi và không đem theo thứ gì”.
“Ốm yếu do không ăn uống gì trong nhiều ngày nên lúc xe tới nơi, tôi đã ngã xuống ngay khi vừa bước ra. Chừng nào chính phủ còn gây khó khăn cho những người muốn tới Anh an toàn, người ta sẽ còn phải chịu đựng những gì tôi và những người chết trên xe tải kia phải trải qua”.
Hậu quả của chính sách nhập cư cứng rắn
Luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền ở Anh vừa kêu gọi chỉnh sửa luật nhập cư sau thảm kịch trên, cho rằng những kẻ buôn người không phải nguyên nhân mà là hậu quả từ chính sách nhập cư cứng rắn của Châu Âu.
“Nhiều báo cáo cho thấy chiếc xe tải trong thảm kịch trên đến từ Bulgaria. Nhiều khách hàng của tôi từng bị cầm tù và tra tấn ở đó, chính nơi mà Anh đang cố đẩy những người tị nạn đến. Họ chỉ tìm kiếm một nơi an toàn để ẩn náu - và rồi bị tra tấn ở Balkan, bị đánh bởi những kẻ theo theo chủ nghĩa phát xít ở Ý, Hy Lạp và Áo, đôi khi bị quay lưng khi tìm cách lưu lại Pháp”, Giulia Tranchina, cố vấn định cư từ tổ chức định cư Wilsons cho hay.
“Không ai đặt câu hỏi về những gì họ đã trải qua trước khi leo lên chiếc xe đó. Với nhiều khách hàng của tôi, chính những kẻ buôn lậu người là ân nhân giúp họ tới được Anh và sống trong yên ổn. Chúng ta cứ nhằm vào tội của giới buôn người mà quên rằng chính chính sách định cư của các nước châu Âu cũng thiếu nhân đạo”, cô giải thích.
|
Cảnh sát và nhân viên pháp y khám nghiệm hiện trường phát hiện container chở 39 thi thể ở Essex. Ảnh: Reuters. |
Ahmad, 28 tuổi, trốn đi lính tại Eritrea và tìm cách sang Anh suốt 8 tháng lưu lại Pháp. “Tôi biết mình có thể chết khi đi theo xe tải nhưng điều đó không ngăn được khao khát trốn chạy”.
Người đàn ông này cuối cùng cũng trốn được lên một xe tải chất đầy khoai tây với hai người bạn. Anh không thể biết mình đã tới nước Anh cho tới khi người bạn nhảy ra khỏi xe ở Bedford và thấy biển chỉ đường.
“Tôi hạnh phúc khi được ở đây. Tôi đang học hành, có tương lai và tôi thấy tiếc nuối cho những người phải chết trên đường tới đây. Có lẽ họ cũng chỉ tới Anh với hi vọng có một tương lai khác”.
Trước thảm kịch trên, nước Anh vốn đã có tỉ lệ dân nhập cư thiệt mạng trên xe tải cao nhất châu Âu, theo số liệu của tổ chức phi chính phủ Mạng lưới hành động Xuyên biên giới (United for Intercultuaral Action). Kể từ năm 2000, tổ chức này ghi nhận đã có 73 người chết trên đường trốn sang Anh nhờ xe tải.
Trong đó, có 58 người Trung Quốc chết vì ngạt thở trên xe tải ở Dover hồi năm 2000, và ít nhất 15 người khác trong những năm tiếp đó, quốc tịch Iraq, Afghanistan, Sudan, Ấn Độ...
Một phần ba các ca thiệt mạng trên xe tải khắp thế giới diễn ra ở Anh trong thời gian trên. Pháp đứng thứ hai, với 42 người nhập cư thiệt mạng theo cách này.
Annette Elder, cố vấn nhập cư tại hãng Elder Rahimi bày tỏ sự giận dữ về thất bại trong chính sách. “Tôi vừa trở về từ đảo Lesbos, Hy Lạp. Tình trạng ở đó đang tồi tệ hơn bao giờ hết, không thể tưởng tượng được. Người dân đặt trẻ nhỏ vào những thuyền chật cứng người, buộc chai rỗng vào hông để bơi qua kênh đào hay trèo lên container của những người mà họ không tin tưởng; họ chắc chắn sẽ không làm thế nếu còn cách nào khác”.
“Khi mà cuộc sống của dân chúng rơi vào đường cùng và trẻ em không có tương lai, mà nguyên nhân chính là những cuộc chiến họ không hề bắt đầu, họ sẽ bỏ đi nếu còn có thể”, bà Elder giải thích.
“Các chính trị gia bày tỏ đau buồn trước cái chết nhưng cũng chính họ đang cản trở đoàn tụ gia đình và thất bại trong việc thực hiện những nghĩa vụ pháp lí rất hạn chế mà họ đã thỏa thuận. Tôi cho rằng nước Anh hoàn toàn có thể đi đầu trong việc chia sẻ gánh nặng nhập cư và thúc đẩy các chính sách đoàn tụ hiệu quả ở Anh cũng như châu Âu”.
Theo An Nguyễn/ Zing