Chiều 30/6, tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Nhiều hàng truyền thông quốc tế lớn đã nhanh chóng đưa tin về sự kiện này.
Theo hãng tin Reuters (Anh), các thỏa thuận được Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ký tại Hà Nội, hơn 3 năm sau kết thúc đàm phán tháng 12/2015.
Hãng Reuters đánh giá đây là thỏa thuận đầu tiên mà châu Âu ký với một nước đang phát triển ở châu Á, mở đường cho việc giảm tới 99% hàng rào thuế quan hàng hóa giữa EU và Việt Nam, cũng như mở cửa thị trường dịch vụ và mua sắm công trong các lĩnh vực bưu chính, ngân hàng và hàng hải.
Bên cạnh đó, Reuters cũng cho biết Việt Nam là một trong số nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực nhờ xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Trước Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Việt Nam cũng đã ký nhiều thỏa thuận thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cùng ngày, Tờ Tin tức Châu Âu (Euronews) và Tờ Bưu điện Tài chính (Financial Post) của Canada nhấn mạnh, Liên minh châu Âu coi Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam là thỏa thuận thương mại tự do “tham vọng nhất” từng được ký kết với một quốc gia đang phát triển.
Tờ Tin tức châu Âu cho biết thêm, thỏa thuận vẫn cần sự thông qua của Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu để có hiệu lực.
Nhật báo Tài chính (Het Financieele Dagblad) của Hà Lan cũng nhanh chóng thông tin về sự kiện đáng chú ý này. Trong khi đó, báo Thương mại (Handelsblatt) của Đức đưa tin, với thỏa thuận đạt được, Việt Nam và EU sẽ dỡ bỏ hầu hết hàng rào thuế quan, trong đó sẽ có khoảng 2/3 số hàng hóa lập tức không còn thuế quan khi thỏa thuận có hiệu lực.
Theo bài báo, kể từ khi mở cửa kinh tế, quốc gia Đông Nam Á với 95 triệu dân trong nhiều năm luôn đạt tỷ lệ tăng trưởng cao. Sau Singapore, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực.
Kênh tin tức châu Á của Singapore (CNA) đánh giá, thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và EU là một thỏa thuận “có chất lượng cao”, vì nó cũng bao gồm các điều khoản quy định về các quyền lao động và bảo vệ sở hữu trí tuệ và môi trường.
Theo Đình Nam/VOV