"Năm 2015, Trung Quốc và Hong Kong là nơi xuất xứ của 86% lượng hàng giả toàn cầu, lên đến 396,5 tỷ USD", AFP dẫn lời Europol trong một báo cáo dài 74 trang.
Theo cảnh sát châu Âu, mọi mặt hàng đều được làm giả, từ dầu gội, pin, cho đến các thiết bị điện tử, quần áo hàng hiệu, dược phẩm... Mặt hàng được làm giả nhiều nhất là thuốc lá, chiếm 27% trong số 88.000 vụ gian lận hàng giả được phát hiện ở châu Âu.
Quần áo và giày dép giả khiến các nước châu Âu thiệt hại 29 tỷ USD và mất khoảng 363.000 việc làm, báo cáo cho biết.
|
Các cửa hàng giả như này có ở nhiều điểm ở Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Với hệ thống đường sắt vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang châu Âu, nhà chức trách quan ngại hàng hóa giả và kém chất lượng sẽ thâm nhập thị trường châu Âu dễ dàng hơn.
Giới chức châu Âu cảnh báo các mặt hàng giả có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế và đem lại lợi nhuận bất hợp pháp cho các nhóm tội phạm có tổ chức.
Đồng thời, hàng hóa kém chất lượng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng bởi chúng được bán trực tuyến tới thẳng tay họ mà không được lực lượng hải quan kiểm tra kỹ lưỡng.
"Tội phạm làm hàng giả thường sản xuất và vận chuyển rất nhanh để đáp ứng xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng", báo cáo của cảnh sát châu Âu cho biết.
Báo cáo cũng nói thêm Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Singapore được coi là những địa điểm thiết yếu của mạng lưới sản xuất và vận chuyển hàng giả vào châu Âu.
Theo Thế Long/Zing News