Trung Quốc: Trai thừa gái ế lo ngay ngáy trước Tết

Google News

Nhiều "trai thừa, gái ế" tại Trung Quốc lại lo tìm cách đối phó với những áp lực cưới xin của người thân về chuyện dựng vợ, gả chồng.

Báo cáo dựa trên một cuộc thăm dò đối với 130.000 người độc thân tại Trung Quốc cho thấy, số người phàn nàn về việc bị cha mẹ gây áp lực cưới xin trong dịp nghỉ Tết cổ truyền ngày càng tăng.
Trung Quoc: Trai thua gai e lo ngay ngay truoc Tet
Những người tham dự một buổi hẹn hò tập thể ở Chiết Giang, Trung Quốc, trao đổi số điện thoại với nhau. (Ảnh: China Daily) 
Gần 60% đàn ông và 50% phụ nữ độc thân cho biết, họ phải đối mặt với áp lực tương tự, theo Báo cáo về quan điểm của người Trung Quốc đối với các mối quan hệ và hôn nhân năm 2016 được đăng tải trên trang web Jiayuan.
Con số này vào năm 2014 lần lượt là 33% và 23%, báo cáo cho biết.
"Mẹ, các dì, các chú và thậm chí là bà tôi cũng tham gia sắp xếp 4 cuộc hẹn hò cho tôi với những người đàn ông mà họ tin là 'mối tốt' trong suốt 7 ngày nghỉ Tết", China Daily dẫn lời Lin Qing (33 tuổi), một nhân viên ngân hàng tại Thượng Hải.
"Thỉnh thoảng, họ cũng chỉ cho tôi xem những bức ảnh về một người hàng xóm bằng tuổi tôi, người vừa mới kết hôn hoặc một trong những người bạn của tôi đã lên chức bà. Đó là cách để nhắc khéo tôi rằng tôi không nên lãng phí thời gian thêm nữa", Lin tâm sự.
Báo cáo đã nhấn mạnh về nỗi lo chung của các bậc phụ huynh sinh vào những năm 1950. Thế hệ của họ đã nếm trải những khó khăn, vất vả của cuộc sống khi còn trẻ, theo Xue Yali, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Gia đình thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải.
"Vì những trải nghiệm trong quá khứ, họ không thích một tương lai bất ổn và sợ rằng những đứa con của mình bị thiếu thốn và thất bại", Xue nói. "Họ thường không thể làm gì để phát triển sự nghiệp của con cái và chỉ có thể khuyến khích chúng xây dựng gia đình", Xue nhận định.
Một lý do khác để xu hướng này tăng lên là do chủ đề về "trai thừa, gái ế" thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong những năm gần đây. Vì thế, mọi người sẽ cảm thấy áp lực hơn, để tìm kiếm bạn đời trước khi quá muộn, Xue giải thích thêm.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người dân ở tỉnh Giang Tây cảm thấy chịu nhiều áp lực cưới xin nhất, với 63% đàn ông và phụ nữ phàn nàn về tình trạng độc thân.
"Điều này có lẽ là do những người dân sống tại khu vực này vẫn giữ tư tưởng bảo thủ rằng, tuổi đẹp nhất để kết hôn là trước 20, mặc dù thực tế là giới trẻ đang trì hoãn hôn nhân", Meng Yuan, phụ trách mục các mối quan hệ công cộng trang web Jiayuan nói.
Báo cáo trên Jiayuan cũng cho hay, thứ khiến cho nam giới chán nản nhất khi đi tìm một nửa của đời mình là phát hiện ra người phụ nữ đó ham vật chất, không biết điều và hẹp hòi, còn phụ nữ thì chán ghét khi phát hiện sự keo kiệt, hẹp hòi và thiếu nam tính ở những người đàn ông mà họ đang gặp gỡ.
Theo Sầm Hoa/Vietnamnet