Gần 2 tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn kêu gọi Mỹ hạ nhiệt căng thẳng và cùng tìm kiếm phương hướng hợp tác. Chỉ vài ngày sau đó, ông lại phàn nàn với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov rằng Washington đã "đánh mất lý trí".
Lệnh đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, được báo cho Bắc Kinh chỉ 72 tiếng trước hạn chót, là nước đi mới nhất trong một loạt động thái cứng rắn từ Washington.
Trong vòng vài tuần, Mỹ đẩy nhanh chiến lược tẩy chay nhắm vào công nghệ mạng không dây 5G của Trung Quốc, ra các lệnh trừng phạt nhắm vào quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Hong Kong, và giờ là cáo buộc Trung Quốc cử hàng loạt sĩ quan hoạt động ngầm nhằm đánh cắp bí mật thương mại, quân sự và y tế tại Mỹ.
|
Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston đóng kín cửa ngày 22/7 sau khi có lệnh. Ảnh: AP. |
Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã đẩy giới lãnh đạo Trung Quốc vào tình cảnh có quá ít những lựa chọn an toàn, vừa có thể phản ứng vừa không đe dọa đổ vỡ toàn diện quan hệ Bắc Kinh - Washington.
Nếu điều đó xảy ra, chiếc vòng cô lập bao quanh Trung Quốc sẽ còn siết chặt hơn nữa. Cường quốc châu Á đang đối đầu cùng lúc với cả Ấn Độ, Anh, Canada, Australia và một số quốc gia khác trong nhiều vấn đề.
Sự cô lập đó không có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc, vốn chật vật vì đại dịch Covid-19 và thị trường thế giới chưa kịp phục hồi.
Yếu tố bầu cử Mỹ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân, ngày 23/7 tái khẳng định nước này sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng và gọi những cáo buộc từ Washington là "bôi nhọ thâm độc".
Những diễn biến vừa qua như đổ thêm dầu vào lửa, kích động tâm lý "bài Mỹ" tại Trung Quốc và tạo điều kiện để các quan điểm "diều hâu" trỗi dậy. Phe cổ xúy chủ nghĩa dân tộc kêu gọi Bắc Kinh ăn miếng trả miếng, thậm chí đề nghị đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong. Chủ biên tờ Global Times gọi phái bộ ngoại giao Mỹ tại Hong Kong là trung tâm tình báo.
Ở hậu trường, giới chức cấp cao của Trung quốc dường như không quá mặn mà với ý tưởng đẩy căng thẳng leo thang. Họ lo ngại mọi bước đi tiếp theo chỉ làm lợi cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump. Một cuộc đối đầu ồn ào với Trung Quốc sẽ đánh lạc hướng dư luận Mỹ về cách ứng phó đại dịch thiếu hiệu quả, cho phép ông Trump vận động tranh cử với hình ảnh nhà lãnh đạo bảo vệ đất nước trước cường quốc ngoại bang.
"Đây là cuộc chơi điển hình: tìm nhân tố đánh lạc hướng ở bên ngoài và tập hợp người dân ủng hộ tổng thống", Lau Siu-kai, cố vấn cấp cao của Bắc Kinh về vấn đề Hong Kong, nhận định.
Mặt khác, Bắc Kinh không thể chấp nhận hình ảnh yếu đuối trước những đòn đánh liên tiếp của Mỹ. Lòng tự tôn dân tộc được thổi phồng thời gian qua buộc giới lãnh đạo Trung Quốc phải thể hiện sức mạnh trước thách thức từ bên ngoài.
Bắc Kinh hiểu rõ tình thế tiến thoái lưỡng nan họ đang đối diện. Trong họp báo ngày 23/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh nước này "không hứng thú" đến việc can thiệp vào bầu cử Mỹ và hy vọng Washington không dùng lá bài Trung Quốc trong cuộc bầu cử này.
|
Xe cứu hỏa trực bên ngoài Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston tối 21/7 khi tòa nhà bắt đầu đốt tài liệu. Ảnh: ABC13. |
Chia rẽ về cách phản ứng
Trước tình trạng đối đầu ở quy mô và cường độ vượt ngoài mọi dự đoán, những chia rẽ trong nội bộ Bắc Kinh về cách ứng phó căng thẳng leo thang với Washington dần lộ diện.
Theo tiết lộ từ một số nguồn tin tham gia quá trình hoạch định chính sách tại Bắc Kinh, nhóm các quan chức an ninh và quân đội cho rằng mọi nỗ lực hòa giải sẽ bị Washington nhìn nhận là yếu đuối. Trong khi đó, phần lớn các nhân vật khác tại Bắc Kinh tập trung vào khía cạnh kinh tế và muốn tìm kiếm phương án phản ứng chừng mực hơn.
Điều được nhiều quan chức Trung Quốc quan tâm là giữ nguyên thỏa thuận "đình chiến" thương mại. Cả sau lệnh đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Houston, Trung Quốc vẫn cam kết tôn trọng thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ, được ký vào ngày 15/1, theo các nguồn thạo tin tiết lộ.
Nếu muốn đánh vào chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump, Bắc Kinh đáng lẽ có thể hoãn nhập khẩu lượng lớn nông sản từ Mỹ theo nội dung thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Bước đi này sẽ đẩy lửa về phía nông dân Mỹ - nhóm cử tri có sức ảnh hưởng lớn tại một số bang trong cuộc đua đến Nhà Trắng. Thực tế là Trung Quốc vẫn tiếp tục đặt mua ngô, lúa mỳ và thịt lợn từ Mỹ với số lượng lớn. Chưa đầy hai tuần trước, Trung Quốc còn ký hợp đồng nhập khẩu ngô từ Mỹ với giá trị lớn nhất từ trước đến nay, theo Darin Friedrichs, chuyên gia về nông sản của công ty xuất nhập khẩu INTL FCStone.
Tiếng nói cuối cùng trong cuộc tranh luận chính sách tại Bắc Kinh vẫn là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng đến nay ông vẫn chưa công khai đề cập về tình hình quan hệ Mỹ - Trung ngày một xấu đi.
Ngày 22/7, khi thông tin Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston phải đóng cửa được công bố, nhà lãnh đạo đang có chuyến thị sát ở Cát Lâm, không thể hiện chút lo âu về đối đầu ngoại giao giữ hai cường quốc. Ngày 23/7, ông có chuyến thăm Đại học Hàng không Không quân, nhưng chỉ nói về ngày kỷ niệm thành lập quân đội vào tháng tới.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump hội đàm cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G20 tổ chức ở Nhật Bản năm 2019. Ảnh: New York Times. |
Quá muộn cho hòa hoãn?
Việc quan hệ song phương xấu đi quá nhanh có lẽ đã khiến Bắc Kinh bất ngờ. Trong tuyên bố ngày 9/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề cập đến việc ổn định lại quan hệ hai nước.
"Chủ tịch Tập Cận Bình trong nhiều dịp có nhấn mạnh rằng chúng ta có hàng nghìn lý do để xây dựng mối quan hệ thành công giữa Trung Quốc - Mỹ, và không có bất kỳ lý do nào để phá vỡ quan hệ này... Chỉ cần hai phía có thiện chí cải thiện và vun đắp, chúng ta sẽ tìm ra cách để lèo lái mối quan hệ này khỏi những khó khăn và đưa nó trở về với con đường đúng đắn", ông nói.
Trong những giai đoạn căng thẳng thời gian qua, ông Tập và ông Trump vẫn tìm ra được cách đưa quan hệ hai nước vượt qua bất đồng bằng điện đàm hoặc gặp gỡ trực tiếp.
Điều này đã diễn ra khi chiến tranh thương mại leo thang và giai đoạn đầu bùng phát đại dịch khi giới chức hai nước liên tục công kích qua lại. Giọng điệu của Washington giờ đây còn cứng rắn hơn những lần trước và Tổng thống Trump có vẻ không còn hứng thú với việc tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng.
Chính sách cứng rắn và lời lẽ công kích thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa cho thấy Washington hiện mới là bên định hình tình trạng đối đầu chưa từng thấy trong quan hệ Mỹ - Trung.
"Giờ đây Mỹ có vẻ không còn nhiệt tình mở cánh cửa cho hòa giải mà đã chọn quay lưng với Trung Quốc", Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại tổ chức nghiên cứu Hội Châu Á, nhận định.
Nếu xét đến quy mô các hành động của Mỹ, cộng với sự ủng hộ ngày một mạnh từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, Trung Quốc thậm chí khó hy vọng tình hình cải thiện dù người thách thức Tổng thống Trump, cựu phó tổng thống Joe Biden, chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Khi còn tại chức, ông Biden từng có nhiều cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, thậm chí từng có những chuyến làm việc cùng nhau. Schell nhận định ông Biden nếu đắc cử vẫn còn cơ hội làm mới mối quan hệ giữa hai nước nhờ vào sự ăn ý này.
"Vấn đề đặt ra là ông Tập liệu có phản hồi tương tự hay không. Liệu việc cho đi một ít để lấy về một ít có bị xem là yếu đuối. Tôi tin rằng ông Biden và các trợ lý hoàn toàn đủ năng lực để phác thảo một điểm cân bằng mới. Tôi không đủ tự tin đây là công việc dễ dàng cho Trung Quốc", Schell dự báo.
Theo Thanh Danh/Zing