Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cho biết bà Aung San Suu Kyi bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc bốn ngày, bắt đầu từ ngày 10/6/2015. Một phát ngôn viên của NLD nói bà Suu Kyi sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Quan hệ Trung Quốc-Myanmar có phần lạnh nhạt trong những năm gần đây, một phần là do các cuộc xung đột bạo lực gần biên giới hai nước. Quân đội chính phủ Myanmar giao tranh với phiến quân ở vùng Kokang, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Trong thời gian chính quyền quân sự Yangon bị phương Tây trừng phạt và bà Suu Kyi còn bị quản thúc tại gia, Trung Quốc là một đồng minh quan trọng “chống lưng” cho Myanmar.
|
Tổng thống Myanmar Thein Sein và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: "Bằng mặt nhưng không bằng lòng?".
|
Nhưng kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa năm 2011, chính phủ của Tổng thống Thein Sein đã xích lại gần hơn với Mỹ, mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục giúp đỡ phát triển các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Myanmar.
Việc mời bà Aung San Suu Kyi đến thăm là một thông điệp cảnh báo mạnh mẽ và sự thừa nhận của Trung Quốc rằng sau cuộc tổng tuyển cử Myanmar cuối năm nay, NLD có thể sẽ là một lực lượng chính trị mà Trung Quốc không thể bỏ qua.
Một bài bình luận được đăng ngày 5/6 trên WeChat có quan hệ với “Nhân dân Nhật báo” – cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc – cho rằng bà Aung San Suu Kyi “không phải là nhân vật bình thường” và đến thăm Trung Quốc vào thời điểm cũng “bất thường”.
|
Bà Aung San Suu Kyi từng cực lực phản đối một dự án thủy điện ở Myanmar gần biên giới với Trung Quốc. |
Bà Aung San Suu Kyi vốn được coi là có lập trường dân chủ chống
Trung Quốc và từng cực lực phản đối một dự án thủy điện ở
Myanmar gần biên giới với Trung Quốc.
Với sự nổi tiếng của bà Aung San Suu Kyi tăng vọt trong những năm gần đây, NLD ở vị thế tốt để trở lại mạnh mẽ tại cuộc bầu cử vào cuối năm nay, mặc dù hiến pháp Myanmar cấm bà trở thành tổng thống vì có con là người nước ngoài. Cả hai con trai của bà Aung San Suu Kyi với người chồng quá cố Michael Aris có quốc tịch Anh.
Bài bình luận đăng trên WeChat cho rằng việc Bắc Kinh mời bà Aung San Suu Kyi đến thăm là một "quyết định đúng" vì nó cải thiện hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Bài bình luận này nói thêm rằng đó là một bước đi chiến lược hướng tới quan hệ Trung Quốc-Myanmar trong tương lai. Là lãnh đạo của NLD, bà Suu Kyi đóng một vai trò quan trọng trong cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar vào tháng 11 tới, mặc dù bà khó có thể tranh chức tổng thống.
|
Bà Aung San Suu Kyi không phải là một chính khách dễ bị lợi dụng và tỏ ra thân Mỹ hơn nhiều so với chính phủ Myanmar hiện hành. |
Đồng thời, chuyến thăm Trung Quốc của bà Aung San Suu Kyi sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ cho chính phủ Myanmar về sự bất mãn của Bắc Kinh đối với các vụ gây chết người trên biên giới.
Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận bắn đạn thật “vô thời hạn” sát biên giới với Myanmar, một động thái được xem như lời cảnh báo nghiêm khắc gửi đến Naypyidaw.
Theo WantChinaTimes (WCT), cũng giống như hầu hết các bài bình luận chính trị gây chú ý rộng rãi ở Trung Quốc, bài viết này đã bị xóa chưa đầy một ngày sau khi được đăng tải.
Minh Châu (TH)