Trong năm 2014, Trung Quốc chính thức ra mắt
tàu khảo cổ đầu tiên mang tên Kaogu-01. Con tàu dài 56 mét và có lượng giãn nước 950 tấn được
Trung Quốc dùng để tìm kiếm "chứng cứ lịch sử"
thâu tóm Biển Đông.
|
Trung Quốc dùng tàu khảo cổ Kaogu-01 để thâu tóm Biển Đông.
|
Theo nhật báo “Thanh niên Trùng Khánh”, việc đưa vào sử dụng tàu khảo cổ biển Kaogu-01 đánh dấu sự kết thúc cái thời mà các nhà khảo cổ biển Trung Quốc phải thuê tàu thuyền đánh cá.
Tàu khảo cổ Kaogu-01 "được trang bị tận răng"
Một tờ báo ở Thanh Đảo viết tàu khảo cổ Kaogu-01 “được trang bị tận răng”. Con tàu này có cần cẩu có sức nâng tới 3 tấn và vươn ra khỏi mép tàu đến 6 mét. Nó cũng có một phòng chuyên dành cho công việc lặn, một buồng điều áp, một buồng bảo quản di tích khai quật và hai kho lưu trữ thực phẩm. Một số báo cáo thậm chí còn cho rằng nó có thể được trang bị một tàu lặn để có thể tìm kiếm dưới đáy biển sâu. Trong năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nước thứ năm trên thế giới (sau Nga, Pháp, Nhật Bản và Mỹ) sở hữu tàu lặn có người lái lặn sâu hơn 1.000 mét. Trong năm 2012, tàu lặn Jiaolong-01 có người lái đã lặn sâu tới 7.000 mét và ở lại độ sâu 6.000 mét trên 10 tiếng đồng hồ.
Tàu khảo cổ Kaogu-01 được trang bị động cơ điện và có khả năng đạt tốc độ lên đến 12 hải lý/giờ. Ngoài ra, con tàu này có thể hoạt động liên tục 30 ngày mà không cần tiếp liệu.
Ngày 13/ 4, tàu Kaogu-01 đã rời thành phố Văn Xương ở tỉnh Hải Nam trên một chuyến thám hiểm 45 ngày đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đánh chiếm trong năm 1974. Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch xây dựng Trạm khảo cổ biển trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà nước này đánh chiếm của Việt Nam.
Công việc khảo cổ của Trung Quốc ở các quần đảo tranh chấp cũng mở rộng đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Bắc Kinh cũng đang tranh chấp với Philippines, Malaysia, Brunei. Trung Quốc đã xác định được khoảng 200 cái gọi là “di sản văn hóa” khác nhau dưới đáy biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành nhiều đợt thăm dò khảo cổ ở vùng biển Trường Sa.
Việc đưa tàu khảo cổ Kaogu-01 đến các chuỗi đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông cho thấy ngành khảo cổ biển được Bắc Kinh sử dụng vào mục đích chính trị, hậu thuẫn cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Sử dụng khảo cổ biển để biện minh cho "đường lưỡi bò" phi lý
Trung Quốc hiện ngang ngược tuyên bố chủ quyền bên trong cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” phi lý và trái với luật pháp quốc tế, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” do người Trung Quốc tự vẽ và không có cơ sở pháp lý này xâm phạm nghiêm trọng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước ven Biển Đông, theo qui định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Philipines hiện đang kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) về hành động “thực thi chủ quyền” ngang ngược phi pháp của Bắc Kinh, mặc dù Trung Quốc không công nhận thẩm quyền pháp lý của tòa PCA và không tham gia hầu kiện. Tuy nhiên Trung Quốc cũng đã gửi một tuyên bố lập trường cho tòa PCA, giải thích lý do mà nước này cho rằng tòa án này không có thẩm quyền phân xử theo đơn kiện của Philippines. Trong tuyên bố lập trường nói trên, Trung Quốc nói rằng các tuyên bố chủ quyền của nước này được dựa trên “các chứng cứ lịch sử”.
Chính vì vậy mà Trung Quốc có kế hoạch sử dụng ngành khảo cổ biển làm công cụ tăng cường yêu sách “lịch sử” trong phạm vi cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò tham lam phi pháp).
Dùng Hải quân và Cảnh sát biển xua đuổi tàu khảo sát nước ngoài
Tuy nhiên, việc tìm kiếm cái gọi là “chứng cứ lịch sử” không chỉ là phương tiện duy nhất để Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển Trung Quốc cũng đang ra sức “bảo vệ các di tích văn hóa dưới nước” bằng cách xua đuổi các tàu nước ngoài “khảo sát trái phép" ở vùng biển mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền.
Trong năm 2013, Trung Quốc đã xua đuổi một nhóm khảo cổ người Pháp ở ngoài khơi bờ biển Philippines. Theo một báo cáo, máy bay cánh quạt hai động cơ của Trung Quốc đã bay lượn trên đầu nhóm khảo cổ người Pháp và sau đó một tàu Hải giám Trung Quốc đã tiến về phía tàu Philippines, yêu cầu tàu này rời khỏi khu vực khảo sát.
Hành động trên cho thấy Trung Quốc đang sử dụng khảo cổ biển để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền ngang ngược ở Biển Đông.
Các phương tiện truyền thông nước ngoài suy đoán rằng tàu khảo cổ Kaogu-01 có thể trở thành một “phiên bản khác” của các giàn khoan dầu di động triển khai tới khu vực tranh chấp để khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Việc sử dụng tàu khảo cổ học để tìm kiếm các bằng chứng hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông chắc chắn sẽ đóng một vai trò đáng kể trong cách tiếp cận tổng thể của Bắc Kinh. Kết quả của những cuộc khai quật của tàu khảo cổ Kaogu-01 và mọi bằng chứng về sự hiện diện của Trung Quốc "từ thời cổ đại" chắc chắn sẽ được các phương tiện truyền thông nước này làm rùm beng trong tương lai để biện minh cho cái gọi là “chủ quyền lịch sử” rất đỗi mơ hồ và chẳng được ai công nhận của Trung Quốc.
Minh Châu (Theo The Diplomat)