Thế giới năm qua chứng kiến những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của các nước lớn, căng thẳng leo thang tại các điểm nóng, đáng chú ý là khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên châu Á, xung đột Israel - Palestine ở Trung Đông, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bại ở Syria, Iraq nhưng đang vươn sang địa bàn khác, phong trào dân túy, ly khai vẫn khiến châu Âu phải đau đầu.
2017 kết thúc xong vẫn còn đó những câu hỏi quan trọng đang chờ đợi lời giải đáp vào năm tới. Peter Apps, một nhà báo lâu năm và nhà bình luận các vấn đề toàn cầu của Reuters, đưa ra 5 vấn đề mà ông cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình thế giới 2018.
1. Cuộc điều tra Nga có kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của Trump?
2018 có thể sẽ giúp cho người ta nhận ra cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016 thực sự lợi hại đến đâu, Tổng thống Trump liệu có bị luận tội vì cản trở công lý hay không.
Các vụ bắt giữ những nhân vật có tiếng gần đây có thể báo hiệu rằng cuộc điều tra đã thu được những thông tin hữu ích thông qua thẩm vấn các nhân vật quan trọng, đặc biệt là cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Flynn và trợ lý của ông Trump George Papadopoulos. Cho đến nay chúng ta có rất nhiều tin đồn, nhưng thông tin cụ thể thì rất ít ỏi.
Câu hỏi thực sự là liệu công tố viên Mueller có thể tìm được bằng chứng về âm mưu của Trump hay không. Nếu không có bằng chứng nào thì ông Trump có thể sẽ thoát khỏi những rắc rối liên quan đến Nga. Ngược lại, nếu có chứng cứ rõ ràng cho thấy tổng thống hay những người thân cận của ông cố gắng cản trở công lý, thì tình huống sẽ thay đổi rất nhanh chóng.
|
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller (trái) là người chịu trách nhiệm chính trong cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016. Ảnh: Getty/CNN. |
Phần đông các chuyên gia chính trị Mỹ cho rằng các thành viên đảng Cộng hòa sẽ không luận tội ông Trump trong năm 2018. Nhưng tình thế có thể thay đổi nếu đảng Dân chủ tìm cách tận dụng được sự giảm tín nhiệm của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018 và kiểm soát Thượng viện hoặc Hạ viện.
2. Trump hay Triều Tiên có liều lĩnh hành động quân sự?
|
Kim Jong Un bên cạnh vật được cho là đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Bằng cách này hay cách khác, có thể dự đoán các diễn biến xung quanh vấn đề Triều Tiên một cách khá dễ dàng. Nhìn vào tình hình hiện nay, ông Kim Jong Un nhiều khả năng sẽ tiếp tục cho tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân với sức công phá ngày càng lớn.
Trong khi năng lực tấn công lục địa Mỹ của Bình Nhưỡng tăng lên, Washington cũng sẽ trở nên hiếu chiến hơn. Mặc dù vậy, Mỹ sẽ vẫn thận trọng với phương án tấn công quân sự, khó có khả năng tiến hành bất cứ một cuộc tấn công nào có thể gây ra xung đột toàn diện nghiêm trọng.
Mặt khác, cuộc chơi này vẫn còn một số yếu tố bất định. Đáng chú ý nhất là liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có lờ đi những cảnh báo từ Lầu Năm Góc, tìm cách xóa bỏ chế độ và chương trình vũ khí của Triều Tiên bằng hành động quân sự hay không.
Cho đến bây giờ, cả Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn vô cùng cảnh giác về khả năng Mỹ tiến hành một cuộc tấn công đơn phương. Hàn Quốc lặp đi lặp lại rằng họ phản đối bất cứ hành động nào như vậy.
Liên minh lâu năm của Washington với Seoul có nghĩa là Trump, về mặt lý thuyết, phải ít nhất có sự nhất trí của Hàn Quốc trước khi quyết định bắn hạ tên lửa phóng thử của Triều Tiên bằng hệ thống đánh chặn từ mặt đất. Chiến lược kiểu này có thể có rủi ro lớn: Uy tín của Washington có thể bị tổn hại nếu cuộc đánh chặn thất bại.
Ngoài mối đe dọa hạt nhân, cũng không nên xem thường năng lực không gian mạng của Bình Nhưỡng. Nỗ lực đáng ngờ của Triều Tiên nhằm xâm nhập hệ thống Mỹ có thể leo thang thành một cuộc tấn công lớn làm tê liệt các cơ sở quan trọng của Mỹ.
Cũng cần phải lưu tâm tới Nga và Trung Quốc. Moscow nhìn chung ủng hộ tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng trong khi Bắc Kinh tỏ ra thận trọng hơn nhiều. Bất kỳ sự thay đổi nào trong quan điểm của hai nước này cũng có thể ảnh hưởng lớn lập trường của lãnh đạo Triều Tiên. Dù điều gì xảy ra đi chăng nữa thì có thể chắc chắn rằng những lời hăm dọa và các lệnh trừng phạt sẽ chỉ tăng thêm.
3. Những biến động ở châu Âu có đạt tới điểm khủng hoảng?
2017 là một năm đầy biến động của châu Âu. Sau cú sốc Brexit năm 2016, Pháp và Hà Lan đã thành công trong việc chống lại những thách thức bầu cử từ các đảng cực hữu. Tuy vậy, Thủ tướng Đức Angela Merkel, từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 10, lại gặp khó khăn khi không thể thành lập chính phủ liên minh. Điều này đồng nghĩa với việc cử tri Đức có thể lại phải đi bầu vào năm tới.
Căng thẳng chính trị ở Tây Ban Nha cũng vẫn tiếp tục diễn ra năm 2018 với sự lớn mạnh của các đảng ủng hộ Catalonia độc lập, nhất là sau cuộc bầu cử hôm 21/12. Một đợt trưng cầu dân ý nữa có thể sẽ được tổ chức.
Vấn đề của lục địa già là không một căng thẳng nội tại nào biến mất năm qua: sự giận dữ với các chính sách nhập cư, cuộc vật lộn để duy trì khối tiền tệ chung, và nỗi ám ảnh kéo dài mang tên Brexit.
|
Anh và EU còn rất nhiều điều phải làm để cán đích trong tiến trình Brexit. Ảnh: Getty. |
Làm thế nào để Brexit diễn ra êm đẹp là câu hỏi ngày càng quan trọng trong năm 2018, khi các nhà đàm phán Anh và EU cố gắng chuyển đổi thỏa thuận sơ bộ hồi tháng 12 này thành một thỏa thuận khả thi trước khi Anh rời khỏi liên minh vào tháng 3/2019. Tiến trình này không tránh khỏi những khó khăn. Nếu nó sụp đổ, có thể Anh sẽ phải tiến hành một cuộc bầu cử hoặc trưng cầu dân ý mới.
Những mối lo ngại từ phe cực hữu cũng vẫn còn hiển hiện. Kết quả các cuộc bầu cử địa phương và quốc gia tại Bỉ, Czech, Hà Lan, Phần Lan, Hungary, Ireland, Italy và Thụy Điển trong năm 2018 sẽ được dõi theo sát sao, để xem liệu chủ nghĩa dân túy có cơ hội mở rộng hơn nữa hay không.
4. Ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông suy giảm, xung đột mới có nổ ra?
Với tất cả bất mãn và thịnh nộ từ quyết định dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem của Tổng thống Trump, vai trò trung tâm của Mỹ ở Trung Đông năm 2018 sẽ mờ dần.
Các lực lượng Mỹ vẫn tiếp tục dọn dẹp tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và các nhóm chiến binh khác, nhưng tại Trung Đông, Washington sẽ ngày càng lùi sau các cường quốc khu vực như Saudi Arabia và Iran. Tehran đã tăng cường ảnh hưởng ở Iraq và Syria trong năm 2017. Nhiều khả năng Saudi Arabia cùng các đồng minh Vùng Vịnh sẽ đẩy mạnh hơn bao giờ hết cuộc đối đầu với đối thủ Saudi Arabia của họ.
|
Dịch tả tràn lan ở Yemen trong cuộc khủng hoảng nhân đạo từ cuộc chiến do Saudi Arabia khởi xướng. Ảnh: AFP/Getty. |
Cuộc chiến tại Yemen có thể sẽ vẫn là một bể máu, một thảm họa nhân đạo hầu như không được thế giới bên ngoài chú ý. Thêm vào đó, một số nhà phân tích tin rằng Riyadh đã âm thầm khuyến khích Israel cân nhắc về một cuộc chiến ở Lebanon để đẩy lùi lực lượng Hezbollah, vốn gần gũi với Iran.
Một câu chuyện Trung Đông khác đáng chú ý là ảnh hưởng lớn dần của các nhóm người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và đặc biệt là Iraq, nơi căng thẳng trở nên đặc biệt nghiêm trọng kể từ cuộc trưng cầu độc lập hồi tháng 9.
5. Chính quyền Nga và Trung Quốc có gặp thử thách?
2017 là năm tốt lành cho các nhà lãnh đạo ở Moscow và Bắc Kinh. Trong khi phương Tây sa lầy trong những cuộc khủng hoảng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa bao giờ vững vàng hơn trên ngai quyền lực.
Tuy nhiên, các lãnh đạo này cũng phải đối mặt với những thách thức nhất định. Trong năm 2017, Nga đối mặt với hàng loạt cuộc biểu tình phản đối chính phủ và chống tham nhũng. Trong năm tới, Putin chắc chắn hy vọng có thể giành chiến thắng một cách êm xuôi trong cuộc bầu cử tổng thống mà ông dường như nắm chắc trong tay. Làn sóng biểu tình có thể sẽ dịu bớt, tuy nhiên mới đây, lãnh đạo đối lập Alexei Navalny, người dẫn đầu chiến dịch chống tham nhũng, đã kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử, sau khi ông bị cấm tham gia cuộc đua này.
|
Hai nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nga được xem là có nhiều thành công trong năm 2017. Ảnh: ITAR-TASS/Barcroft Media. |
Ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình củng cố vị trí nhà lãnh đạo quyền lực nhất đất nước kể từ thời Mao Trạch Đông tại Đại hội đảng Cộng sản hồi tháng 9. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy sự bất mãn và phản kháng, đặc biệt là từ Hong Kong.
Có lẽ sẽ không có một sự thay đổi "địa chấn" trong năm tới ở Nga và Trung Quốc. Nhưng những gì diễn ra ở cả hai quốc gia này đều đáng để dõi theo, bởi những diễn biến quan trọng hơn có thể sẽ phát lộ từ đó.
Năm 2017, Triều Tiên phóng tên lửa với tần suất chưa từng có, gồm 3 lần thử ICBM và 2 lần bắn tên lửa bay qua bầu trời Nhật Bản gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.
Theo Ngụy An - Hoa Hạ/Zing