Nhìn từ bên ngoài, nhiều người có ấn tượng rằng Triều Tiên là một quốc gia nghèo đói tách biệt với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, trong cuộc duyệt binh vào cuối tuần trước, nước này đã có màn phô diễn sức mạnh quân sự ấn tượng với hàng loạt vũ khí mới.
Bất chấp hàng thập kỷ bị cô lập về kinh tế và ngoại giao, làm thế nào Triều Tiên vẫn đủ sức theo đuổi chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân tốn kém là câu hỏi mà các nhà quan sát chưa thể giải thích rõ ràng.
Bán tài nguyên và xuất khẩu lao động
Theo Tiến sĩ Leonid Petrov, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Australia về châu Á và Thái Bình Dương, Triều Tiên sử dụng trữ lượng lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên để tài trợ nghiên cứu vũ khí.
“Triều Tiên là quốc gia có địa hình đồi núi với các nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ bao gồm than đá chất lượng cao, vàng, bạc, uranium, quặng sắt và kim loại đất hiếm”, Petrov cho biết trên news.com.au.
Triều Tiên đã xuất khẩu khoáng sản cho các đồng minh như Trung Quốc và Liên Xô trong nhiều thập kỷ cho đến khi khối cộng sản Đông Âu sụp đổ. Kể từ đó, Triều Tiên chủ động hơn trong thương mại quốc tế mặc dù việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt đã làm giảm khả năng xuất khẩu của nước này.
|
Các công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất túi ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP. |
Tiến sĩ Petrov cho rằng riêng Trung Quốc vẫn duy trì thương mại ở Triều Tiên và muốn giữ độc quyền về giao dịch kim loại đất hiếm, thành phần quan trọng trong sản xuất điện thoại di động, máy tính, màn hình LCD và ôtô.
Việc xuất khẩu lao động sang Trung Quốc, Nga, Trung Đông, Đông Âu và Đông Nam Á cũng đem lại nguồn thu cho Triều Tiên.
“Hàng chục nghìn người Triều Tiên được xuất cảnh ra nước ngoài để làm việc trong các nhà hàng, công trường xây dựng, làm các công việc như trồng rau hoặc công nhân xây dựng ở những nơi như châu Phi”, Tiến sĩ Petrov nói.
Quan hệ với Bắc Kinh
Với sự trợ giúp của Bắc Kinh, Bình Nhưỡng đã cải tạo lại cơ sở hạ tầng đã lỗi thời từ thập kỷ trước, sửa chữa các cơ sở khai thác mỏ bị lũ lụt tàn phá giữa những năm 90.
Theo Mark Hibbs, chuyên gia về vũ khí hạt nhân thuộc Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie, việc Trung Quốc là nguồn cung cấp lượng lớn hàng hóa nhập khẩu vào Triều Tiên không phải là điều bí mật.
“Đây là những vật phẩm có thể sử dụng để sản xuất xe đạp mà cũng có thể dùng để chế tạo các thiết bị ly tâm hoặc các bộ phận của vũ khí hạt nhân”, Hibbs cho biết trên Atlantic.
|
Tên lửa đạn đạo phóng được từ tàu ngầm được trưng bày trong cuộc duyệt binh tại Quảng trường Kim Nhật Thành ngày 15/4 ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AP. |
Cho đến năm ngoái, Trung Quốc vẫn cung cấp cho Triều Tiên các nguồn nhiên liệu cần thiết như dầu thô và xăng với giá "thân thiện" hoặc thậm chí miễn phí.
Đây là loại hình thương mại mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn ngăn chặn. Tuy nhiên, Tiến sĩ Petrov cho rằng đây là điều không thực tế vì Trung Quốc sẽ không để kinh tế Triều Tiên sụp đổ.
Trung Quốc có thể thể hiện sự tức giận thông qua việc chấm dứt hợp tác kinh tế tạm thời, chẳng hạn như việc đình chỉ nhập khẩu than từ Triều Tiên sau nghi án Kim Jong Nam. “Đó là đòn đau nhưng không chết người”, ông Petrov nói.
Mặc dù vậy, biện pháp này có thể sẽ không hiệu quả vì Triều Tiên luôn có khả năng quay sang tìm sự giúp đỡ của Nga.
Nước này xem Triều Tiên như một thị trường tiêu thụ điện và dầu lửa tiềm năng, đồng thời có thể mở ra hành lang xuất khẩu năng lượng sang Hàn Quốc và kéo dài hành lang vận tải từ Hàn Quốc đến châu Âu thông qua Đường sắt xuyên Siberia của Nga.
Bí ẩn nền kinh tế Triều Tiên
Theo báo cáo tháng trước của nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc, Triều Tiên tránh trừng phạt bằng cách sử dụng các công ty bình phong và các cơ sở nước ngoài khác để ngụy trang nguồn gốc hàng hoá.
Năm ngoái, họ vẫn tiếp tục xuất khẩu các khoáng sản bị cấm và có thể vẫn tiếp cận được hệ thống ngân hàng quốc tế.
Theo Newsweek, dưới thời ông Kim Jong Il, dù chịu các biện pháp trừng phạt toàn diện, Bình Nhưỡng vẫn có quan hệ ngoại giao và thương mại với hơn 150 quốc gia, bao gồm hầu hết thành viên của Liên minh châu Âu.
Triều Tiên khai thác trữ lượng vàng dồi dào của mình, ước tính khoảng 1.000 đến 2.000 tấn, để bán ở các thành phố như London, Zurich và Hong Kong.
Nước này cũng mua bán cổ phần trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York thông qua một công ty môi giới có trụ sở tại London do họ sở hữu. Các hoạt động giao dịch này có thể đã đem lại nguồn tiền tệ quan trọng cho Triều Tiên.
|
Sinh viên Triều Tiên đi cáp treo tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Masik gần Wonsan, đông bắc Triều Tiên, năm 2014. Ảnh: Getty. |
Triều Tiên tỏ ra khá giỏi trong việc né các lệnh cấm. Để đối phó với các lệnh trừng phạt của Tokyo vào năm 2006, Bình Nhưỡng chỉ đơn giản sắp xếp lại các thỏa thuận và chuyển sang Khối các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) cũng như Hàn Quốc và Singapore.
Bên cạnh đó, Triều Tiên còn hoan nghênh đầu tư nước ngoài. Ai Cập đã đầu tư vào mạng lưới viễn thông, các nhà máy bê tông và ngành công nghiệp xây dựng của nước này. Trong khi đó, Trung Quốc quan tâm đến nguồn lợi thủy sản, ngành khai thác mỏ và đã phát triển mạng lưới siêu thị bán hàng tiêu dùng do Trung Quốc sản xuất.
Trước đây, Triều Tiên cũng được hưởng lợi từ hợp tác với Hàn Quốc. Quốc gia láng giềng đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang, nơi người Hàn Quốc và du khách nước ngoài có thể nghỉ lại và leo núi.
Khu công nghiệp Kaesong, nơi sản xuất hàng hoá sử dụng công nghệ Hàn Quốc và lao động Triều Tiên, đã góp phần tăng nguồn thu tài chính cho Triều Tiên cho đến khi bị đóng cửa vào năm ngoái sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của nước này.
Tiến sĩ Petrov tin rằng việc Triều Tiên nối lại hợp tác với Hàn Quốc có thể xảy ra nếu Hàn Quốc thay đổi vị trí lãnh đạo trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/5. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào hành động và chính sách của Mỹ.
Theo Tuyết Mai/Zing.vn