Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 8/3 lần đầu đề cập đến đàm phán bất thành tại hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 27-28/2, nói dư luận đang quy trách nhiệm cho Mỹ về việc hai bên không đạt được thỏa thuận.
“Dư luận trong và ngoài nước, vốn đã hy vọng kết quả tốt và thành công tại hội nghị thượng đỉnh Triều - Mỹ lần hai ở Hà Nội, giờ đang cảm thấy tiếc nuối, quy trách nhiệm cho Mỹ về việc hội nghị đã không đạt được thỏa thuận”, Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, viết trong một bài xã luận, theo Reuters.
Bài viết cũng kêu gọi người Triều Tiên tiếp tục theo đường lối tự chủ. “Giữa thời điểm các đế quốc đang lạm dụng quyền lực, chúng ta nên tiếp tục đường lối tự chủ để phát triển đất nước một cách độc lập”, bài xã luận viết.
|
Người dân Bình Nhưỡng đọc báo đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam. Ảnh: AFP. |
Bài viết cũng có những lời lẽ phản đối kịch liệt Nhật Bản, cáo buộc nước này “tìm mọi cách gây khó khăn” cho mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington và đã “vỗ tay” khi đàm phán không thành.
Bài viết được đăng tải sau khi tình báo Hàn Quốc tuần này nói họ đã phát hiện những hoạt động mới ở nhà máy Sanumdong, nơi sản xuất ra tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của Triều Tiên có tầm bắn đến Mỹ. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon nói với các nghị sĩ rằng xe chở hàng được nhìn thấy di chuyển xung quanh nhà máy này, theo báo JoongAng Ilbo.
Cũng theo ông Suh, Triều Tiên vẫn vận hành cơ sở làm giàu uranium trong tổ hợp hạt nhân Yongbyon ngay cả sau hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim đầu tiên ở Singapore.
Trong một diễn biến khác, hai tổ chức nghiên cứu 38 North và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ngày 7/3 cho biết Triều Tiên dường như đã tái xây dựng trạm phóng vệ tinh Sohae vài ngày trước hội nghị Hà Nội.
“Việc tái xây dựng Sohae cho thấy Triều Tiên có thể đảo ngược nhanh và không khó khăn bất kỳ bước đi nào trong tiến trình giải giáp vũ khí hủy diệt hàng loạt”, CSIS cho biết.
|
Các tên lửa đạn đạo liên lục địa được chở đi trên đường trong lễ diễu binh ở Bình Nhưỡng ngày 15/4/2017. Ảnh: Reuters. |
Một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Mỹ nói với Reuters việc tái xây dựng cơ sở trên có thể nhằm hối thúc Washington đi đến thỏa thuận, hơn là nhằm tiếp tục thử vũ khí. Nguồn tin này nói việc tái xây dựng vừa là để Triều Tiên có thể dừng ngay lập tức và thể hiện thiện chí, vừa là cách để Triều Tiên tỏ ra cứng rắn và thách thức nếu đàm phán không thành.
Tổng thống Trump đã lên tiếng, nói ông sẽ “rất, rất thất vọng” với ông Kim nếu những thông tin trên là đúng. Tuy nhiên, ông vẫn để ngỏ khả năng đàm phán thêm với Triều Tiên, theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 4/3 nói ông lạc quan về việc cử phái đoàn đến Triều Tiên để tiếp tục đàm phán trong những tuần tới, nhưng “vẫn chưa có cam kết nào”.
Theo Trọng Thuấn/Zing.vn