Tại phiên họp ngày 11/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tái đắc cử vị trí chủ tịch Ủy ban Quốc vụ, cơ quan quyền lực nhất của Triều Tiên, theo Yonhap.
"Việc Lãnh đạo Tối cao được bầu làm chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên là một sự kiện chính trị trọng đại có ý nghĩa lịch sử quan trọng", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết.
Ông Kim giữ chức vụ này từ tháng 6/2016, sau khi ủy ban được thành lập theo điều chỉnh hiến pháp của Triều Tiên. Nhiệm kỳ mới của ông sẽ kéo dài 5 năm đến quốc hội khóa kế tiếp.
|
Ông Kim Jong Un tại phiên họp ngày 11/4 của quốc hội Triều Tiên khóa 14. Ảnh: Sputnik. |
Cuộc họp ngày 11/4 cũng bầu ra nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng khác tại Bình Nhưỡng. Ông Kim Jae Ryong, một thành viên cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên (WPK) sẽ thay ông Pak Jong Ju đảm nhiệm vị trí thủ tướng chính phủ.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Choe Ryong Hae sẽ thay thế ông Kim Yong Nam làm chủ tịch quốc hội, vị trí về mặt ngoại giao được xem là nguyên thủ của Triều Tiên. Ông Kim Yong Nam đã giữ chức vụ này từ năm 1998.
|
Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Choe Ryong Hae thị sát một nông trại ở Sariwon, Triều Tiên, trong bức ảnh công bố hôm 9/4. Ảnh: KCNA. |
Cựu trùm tình báo Triều Tiên Kim Yong Chol cũng được đưa vào Ủy ban Quốc vụ.
Nhiều thành viên quan trọng trong đoàn đàm phán hạt nhân tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng hai, như Ngoại trưởng Ri Yong Ho và Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui cũng được bổ sung vào cơ quan quyền lực này.
|
Ngoại trưởng Ri Yong Ho (giữa) và Thứ trưởng Choe Son Hui đều được đưa vào Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên. Ảnh: Bloomberg. |
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) Suh Hoon trong phiên họp cùng Ủy ban Tình báo của quốc hội Hàn Quốc hôm 29/3 đã nhận định có khả năng quốc hội Triều Tiên sửa đổi hiến pháp ở kỳ họp lần này.
Dự đoán được đưa ra sau khi ông Kim Jong Un không tham gia trong cuộc bỏ phiếu vừa qua của các thành viên Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên, diễn ra vào ngày 10/3.
Nhận định của ông Suh Hoon được đưa ra giữa lúc nhiều chuyên gia dự đoán Triều Tiên sẽ thay đổi cấu trúc quản lý đất nước, hướng đến một nhà lãnh đạo. Cấu trúc lãnh đạo kép hiện nay khiến ông Kim gặp khó khăn trong việc được xem là nguyên thủ quốc gia trong những sự kiện ngoại giao cấp nhà nước.
Theo Zing