Chiến sự kéo dài vượt dự kiến, với tổn thất sinh mạng ngày càng lớn
Khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine khởi động vào ngày 24/2/2022, người ta cho rằng chiến dịch này sẽ hoàn thành trong vòng 2 tuần. Nhưng hiện nay, chiến dịch đã kéo dài hơn 3 tháng và có dấu hiệu sẽ kéo dài hàng năm trời.
Lính Ukraine phóng tên lửa chống tăng ở Donetsk. Ảnh: AP.
Về mặt nhân lực, Nga đã tung 110 trong số 190 nhóm chiến thuật tiểu đoàn của mình sang Ukraine. Khoảng 1/3 trong số này tác chiến ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine. Ý định của họ là bao vây tiêu diệt một lượng quân Ukraine phòng ngự tại đây.
Vào ngày 27/5, thị trấn Lyman rơi vào tay Nga và chiến sự vẫn tiếp diễn, trong đó Nga cố gắng hoàn thành bao vây Severodonetsk và thị trấn bên kia sông là Lysychansk.
Những trận chiến khốc liệt, đẫm máu đã diễn ra trong vài tuần qua. Quân Nga tiến từng bước một.
Thương vong rất lớn ở cả hai phía.
Một ước tính cho rằng tổng thương vong của phía Nga ở Ukraine trong cuộc chiến bắt đầu từ ngày 24/2 đã cao hơn cả thương vong của Liên Xô trong 10 năm tham chiến ở Afghanistan.
Phía Ukraine cũng hứng chịu các tổn thất khủng khiếp. Vào ngày 31/5, chính Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố khoảng 60-100 lính Ukraine tử trận mỗi ngày. Một nguồn tin khác cho rằng số lính Ukraine tử trận thực tế còn cao hơn thế.
Tổng thống Ukraine Zelensky vào ngày 27/5 tuyên bố “Donbass vẫn thuộc Ukraine”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định Donbass là “ưu tiên vô điều kiện”.
Trước hai tuyên bố này, rõ ràng chỉ còn một con đường phía trước: Hai bên tiếp tục chiến đấu và xung đột sẽ tiếp diễn trong thời gian dài.
Tầm nhìn dài hạn
Ukraine đang có kế hoạch tái chiếm các vùng đất mà họ mới mất. Để đạt được điều này, quân đội Ukraine sẽ phải thay thế cho bộ phận thương vong bằng các tân binh và cung cấp các vũ khí khí tài mới cho các đơn vị. Ukraine sẽ cần phải xây dựng các lữ đoàn và tiểu đoàn mới.
Ngoài vũ khí mà Mỹ và NATO đã cung cấp cho Ukraine, họ sẽ cần các hệ thống rocket chính xác tầm xa để tấn công các tuyến tiếp tế của Nga, cũng như các khẩu pháp có độ chính xác cao hơn nhiều để ứng phó với sức mạnh áp đảo của Nga.
Tương tự, ở trên không, các tên lửa mà Ukraine đang sở hữu chỉ có thể giới hạn sự tự do của Nga ở mức độ nhất định chứ không thể thách thức phía Nga ở cự ly xa hơn. Đó là lý do Mỹ đang cân nhắc cung cấp cho Ukraine các tên lửa Patriot – loại tên lửa phòng không tầm trung có uy lực mạnh, từng nổi danh trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991. Các tên lửa này có khả năng tấn công máy bay Nga từ xa.
Nhưng cũng phải mất nhiều tháng để huấn luyện lực lượng vận hành các vũ khí này và tích hợp tất cả các hệ thống vũ khí mới (nếu Ukraine nhận được) vào lực lượng vũ trang Ukraine.
Trong khi ấy, Belarus đã triển khai quân tới biên giới với Ukraine. Số quân Belarus này có tác dụng ghìm chân một số lực lượng quân sự Ukraine ở miền Bắc, ngăn họ tiến hành về củng cố các khu vực khác. Nhưng ở miền Nam, quân Nga ít khả năng tiến xa được nữa vì thiếu lực lượng để làm vậy.
Trận chiến ở hải cảng ở Odessa
Cựu tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh ở châu Âu – Đô đốc James Stavridis, đã đúng khi ông nói rằng “giải tỏa cảng Odessa có tầm quan trọng như cung cấp vũ khí cho Ukraine”.
Có một hải cảng còn hoạt động được trên Biển Đen chính là sự khác biệt giữa một quốc gia bị phong tỏa và một quốc gia thương mại.
NATO đang xem xét hộ tống các tàu buôn bán quốc tế ra vào cảng này. Nhưng quyết định này tiềm ẩn rủi ro lớn.
Như vậy đây là một chiến tranh lớn tại châu Âu, một cuộc chiến có tầm quan trọng toàn cầu và lịch sử, liên quan mọi phương diện quân sự từ trên bộ, trên biển, trên không, cho đến không gian mạng và vũ trụ. Thiếu những chiến thắng quân sự mang tính quyết định và sự nhượng bộ, cuộc chiến đó sẽ bùng phát dữ dội. Khi giai đoạn hiện nay của trận chiến Donbass kết thúc, đó đơn giản là sự kết thúc của việc mở đầu một cuộc chiến trên quy mô rộng lớn hơn./.
Theo Trung Hiếu/VOV