Phiên bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) về dự thảo nghị quyết kêu gọi không công nhận Jerusalem là thủ đô Israel trở thành tâm điểm chính trị quốc tế sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/12 dọa cắt viện trợ tài chính nước nào phản đối Washington trong vấn đề Mỹ công nhận Jerusalem.
Liên tiếp cảnh báo cứng rắn
Ngày 20/12, ông Trump cho biết Mỹ sẽ theo dõi từng lá phiếu của từng nước tại LHQ, không chấp nhận chuyện các đối tác nhận hàng tỉ USD từ Mỹ rồi giờ bỏ phiếu phản đối nước này.
Ông Trump cũng hoan nghênh thông điệp “nhắc nhở” của đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley chuyển đến các nước ngày trước đó. Ngày 19-12, bên cạnh phát ngôn trên Twitter, bà Haley gửi thư cho hơn 180 nước, cảnh cáo rằng ông Trump sẽ đích thân theo dõi vụ bỏ phiếu và Mỹ sẽ “ghim tên” nước nào bỏ phiếu chống lại Mỹ.
Theo số liệu từ Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), năm 2016 Mỹ đã hỗ trợ 13 tỉ USD cho các nước vùng hạ-Sahara châu Phi, 13 tỉ USD cho Trung Đông và Bắc Phi, 6,7 tỉ USD cho Nam và Trung Á, 2,2 tỉ USD cho vùng Tây bán cầu, 1,5 tỉ USD cho châu Âu, 1,6 tỉ USD cho Đông Á và châu Đại Dương.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng ngày 20-12. Ảnh: REUTERS |
Đồng minh đối đầu
Phát ngôn của ông Trump vấp phải chỉ trích mạnh từ nhiều nước, đặc biệt từ thế giới Ả Rập và Hồi giáo. Sau khi tiếp Tổng thống Palestines Mahmoud Abbas ngày 20-12, vua Salman của Saudi Arabia đã cam kết tiếp tục ủng hộ quan điểm của Palestine về Jerusalem. Thái độ của vua Salman với ông Abbas ngược lại những tin đồn Saudi Arabia đang làm áp lực để Palestine từ bỏ Jerusalem, đổi lại Mỹ sẽ tích cực hơn trong kiềm chế đối thủ khu vực là Iran.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích Mỹ sai lầm tiếp nối sai lầm, tự cô lập mình với quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Trao đổi với báo chí từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) trước khi cùng lên đường sang New York (Mỹ) dự phiên bỏ phiếu, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki cáo buộc Mỹ dọa dẫm và gây áp lực lên các nước.
Theo ông Cavusoglu, Mỹ cần chấm dứt các hành động này vì “không một đất nước tự trọng nào chịu khuất phục, mỗi nước sẽ quyết định tùy vào lương tâm chính mình”. Ông cho biết trước mắt Azerbaijan và Iran đã đồng ý bỏ phiếu thuận dự thảo nghị quyết.
Phản pháo thư nhắc nhở của bà Haley, Đại sứ của Saint Vincent và Grenadines (vùng Caribe) - bà Rhoda King cho biết nước bà trân trọng Mỹ như một đồng minh lâu dài nhưng sẽ bỏ phiếu phản đối quyết định của ông Trump về việc Mỹ công nhận Jerusalem.
Đòn cân não có hiệu quả?
Chưa rõ các cảnh báo từ ông Trump và bà Haley sẽ tác động thế nào đến cục diện bỏ phiếu. Đại diện thường trực Palestine tại LHQ Maleeha Lodhi tin tưởng nghị quyết sẽ được thông qua với tỉ lệ áp đảo. Hãng tin AP dẫn nhận định một số nhà ngoại giao dự đoán nghị quyết sẽ được ít nhất 150 đến 180 nước ủng hộ. Một nhà ngoại giao phương Tây mô tả lá thư của bà Haley là một “thủ thuật nghèo nàn”.
Theo AP, hành động gây áp lực của bà Haley gợi nhớ chiến thuật cũ của một số nhà ngoại giao Mỹ tại LHQ năm 2002. Tổng thống Mỹ George W. Bush khi đó mở chiến dịch ngoại giao đối đầu Pháp và một số nước khác từ chối ủng hộ một dự thảo nghị quyết Hội đồng Bảo an mở màn chiến tranh Iraq. Nghị quyết này do Anh soạn thảo và được Mỹ ủng hộ, tuy nhiên sau đó Anh đã phải rút lại vì không thể vượt qua phản đối lớn trong Hội đồng Bảo an.
Israel tăng vận động hành lang
Israel cũng đang thực hiện một chiến dịch vận động toàn cầu ngăn cản nghị quyết, hãng AP dẫn thông tin từ Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely ngày 20/12. Theo ông, các nước nằm trong tầm vận động của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chủ yếu là các nước đang phát triển. Israel đang tích cực thuyết phục đồng minh bỏ phiếu trắng thậm chí bỏ phiếu chống lại nghị quyết.
Theo AP, Israel xem cuộc bỏ phiếu này như phép thử với chính sách đối ngoại của ông Netanyahu. Nhiều năm nay ông Netanyahu đầu tư mở rộng đồng minh và đối tác, ngoài các đồng minh truyền thống là Mỹ và một số nước Tây Âu. Điểm đến ông Netanyahu hướng tới là các nước đang phát triển, có truyền thống ủng hộ Palestine. Mục tiêu ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu công nghệ còn nhằm giảm nhẹ thành kiến với Israel tại diễn đàn LHQ.
Trong năm nay, ông Netanyahu đã thăm Trung Quốc và tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi sang thăm. Ông cũng có hàng loạt cuộc gặp với các lãnh đạo châu Phi. Và tháng 9 vừa qua, ông trở thành thủ tướng đầu tiên của Israel thăm các nước Mỹ Latin gồm Argentina, Mexico, Colombia.
Theo Đăng Khoa / PLO