Chính sách nhập cư gây "bão" của ông Trump
Mới đây, ngày 26/6, Tòa tối cao Mỹ đã tuyên bố giữ nguyên sắc lệnh tạm thời cấm nhập cảnh với người tị nạn và công dân của 5 quốc gia có đa số người Hồi giáo, bao gồm Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen, của Tổng thống Trump.
Đây là phiên bản thứ ba, được ban hành vào tháng 9/2017, của sắc lệnh nhập cảnh được Tổng thống Trump công bố ngay sau khi nhậm chức nhằm mục đích ngăn chặn nguy cơ khủng bố nhập cảnh vào Mỹ và gửi thông điệp tới Trung Đông rằng họ cần phải tự kiểm soát tình hình trong nước chứ không phải chuyển áp lực sang phương Tây với dòng người nhập cư khổng lồ.
Khi đó, lệnh cấm ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế và làm nổ ra các cuộc biểu tình ở các sân bay của Mỹ.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Chicago Tribune. |
Và chính sách nhập cư “không khoan nhượng” gần đây của Tổng thống Trump tiếp tục vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của công chúng, kể cả Đệ nhất phu nhân Melania, và dẫn đến các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ. Theo chính sách này, những người bắt giữ vì tội vào Mỹ bất hợp pháp, kể cả người xin tị nạn, sẽ bị cáo buộc tội hình sự, dẫn đến việc trẻ em bị tách khỏi cha mẹ chúng và bị tạm giữ trong các cơ sở lưu trú ở nước Mỹ.
Vì chính sách gây tranh cãi trên, gần 20 bang tại Mỹ đã đệ đơn kiện chính quyền Trump và tỷ lệ ủng hộ ông Trump từ đó cũng sụt giảm.
Ngày 20/6 vừa qua, Tổng thống Trump đã phải ký sắc lệnh kết thúc chính sách chia tách các gia đình nhập cư trái phép qua biên giới Mỹ - Mexico. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn hơn 2.000 em nhỏ chưa được tái hợp với gia đình.
Có thể thấy, nếu so với Mỹ, Châu Âu, khu vực đối diện với làn sóng nhập cư khổng lồ những năm qua, có cách xử lý "mềm mỏng" hơn trong vấn đề nhập cư.
Các nước Châu Âu xử lý vấn đề nhập cư như thế nào?
Các nước Châu Âu được xem là đích đến lý tưởng của những người nhập cư trên khắp thế giới, đặc biệt là những cư dân tới từ Trung Đông và Châu Phi. Một số quốc gia châu Âu như Đức, Thụy Điển từng được biết đến với chính sách chào đón người tị nạn cũng như đưa ra các biện pháp giúp đỡ người dân nhập cư ổn định cuộc sống tại vùng đất mới.
Tuy nhiên, với làn sóng nhập cư trái phép khổng lồ đổ về Châu Âu, các quốc gia khu vực này cũng phải "đau đầu" để tìm ra giải pháp thỏa đáng.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng nhập cư bùng nổ vào 2015, chính phủ Đức đã thúc đẩy để những người xin tị nạn được chuyển tiếp từ các nước ở tuyến đầu như Italy và Hy Lạp đến các quốc gia khác thuộc Liên minh Châu Âu (EU) nhằm chia sẻ trách nhiệm này ra toàn khối.
Thủ tướng Merkel cũng ủng hộ những đề xuất củng cố các đường biên giới phía ngoài EU bằng cách tăng cường năng lực cho Cơ quan Kiểm soát Biên giới EU (Frontex).
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: DW. |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ hợp sức với các nhà lãnh đạo cùng tư tưởng tìm ra giải pháp để giảm làn sóng nhập cư và cùng có trách nhiệm đối với những người tị nạn vào Châu Âu.
Tuy nhiên, các nhà chức trách Pháp cũng thực thi một chính sách cứng rắn đối với những người nhập cư trái phép như phạt nặng và tăng thời hạn tạm giam. Trong những tháng qua, giới chức Pháp đã cho phá dỡ nhiều khu “trại tị nạn” tạm bợ được những người dân nhập cư dựng lên trái phép ở thủ đô Paris.
Mời độc giả xem video: Mỹ căng mình ngăn làn sóng nhập cư (Nguồn: VTC14)
Còn Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipas đã thúc giục các nước thành viên EU khác chia sẻ gánh nặng đối với các nước tuyến đầu cuộc khủng khoảng nhập cư bằng cách giúp người tị nạn tái định cư theo cơ chế phân bổ.
Về phần mình, Italy mới đây kêu gọi thành lập “các trung tâm bảo trợ” người nhập cư ở một vài nước EU để giảm tình trạng quá tải ở các trại tập trung ở Italy và đề nghị tăng cường viện trợ cho các nước Châu Phi đang đấu tranh với nạn buôn người.
Thiên An (Tổng hợp)