"Nhiều nước đang được cân nhắc cho cuộc gặp thượng đỉnh, nhưng liệu nhà Hòa Bình/Tự Do, trên biên giới liên Triều, có phải là một địa điểm biểu tượng, quan trọng và trường cửu hơn một nước thứ ba hay không?", Tổng thống Trump viết trên Twitter cá nhân ngày 30/4.
Nhà lãnh đạo Mỹ trước đó tiết lộ ít nhất 2 địa điểm đang được cân nhắc cho cuộc gặp lịch sử giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Nếu Bàn Môn Điếm được lựa chọn, nó có thể sẽ trở thành chứng nhân lịch sử cho một kỷ nguyên hòa bình thực sự trên bán đảo Triều Tiên.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đứng trước cơ hội trở thành đương kim lãnh đạo đầu tiên của Mỹ gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên - Ảnh: REUTERS |
Giới quan sát kỳ vọng cuộc gặp Mỹ-Triều sắp tới sẽ có thể đi tới quyết định chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh và ký hiệp ước hòa bình giữa hai miền Triều Tiên.
Để làm được điều này, cần phải có sự tham gia của ít nhất 4 bên thuộc hai phe đối nghịch trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) khi xưa, bao gồm Mỹ-Hàn Quốc và Trung Quốc-Triều Tiên.
Bàn Môn Điếm, nơi hai phe ký hiệp ước đình chiến năm 1953, 65 năm sau đang đứng trước cơ hội trở thành chứng nhân hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
|
Nhà Tự Do của Hàn Quốc trong Bàn Môn Điếm nhìn từ phía Triều Tiên. |
Hôm 27-4, lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ, lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã gặp nhau tại nhà Hòa Bình của Hàn Quốc trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Kết quả của cuộc gặp là "Tuyên bố Bàn Môn Điếm về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên", gọi tắt là Tuyên bố Bàn Môn Điếm.
Giới quan sát nhận định cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ giải quyết các vấn đề quan trọng được nhắc trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm, bao gồm chấm dứt tình trạng đình chiến và thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên, cũng như vấn đề phi hạt nhân hòa Triều Tiên.
Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không lặp lại sai lầm của chính quyền tiền nhiệm trong cuộc đàm phán về phi hạt nhân với Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết đang cân nhắc thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể là cuộc gặp giữa 3 hoặc 4 bên nhưng không nói rõ bên nào.
Trung Quốc hiện vẫn chưa lên tiếng về khả năng tham dự thượng đỉnh Mỹ-Triều. Chính quyền Bắc Kinh dẫu vậy luôn hoan nghênh các bước đi tích cực trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm cuộc gặp Mỹ-Triều sắp sửa diễn ra.
Theo Bảo Duy/Báo Tuổi Trẻ