Với bản Tuyên bố chung đạt được đồng thuận cao, Hội nghị Thượng đỉnh hằng năm của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc tại Osaka, Nhật Bản. Uy tín và những sáng kiến phù hợp của nước chủ nhà Nhật Bản với tư cách là Chủ tịch G20 đã góp phần làm nên thành công của hội nghị.
Bên lề hội nghị, những cuộc gặp song phương dày đặc giữa Nhật Bản và các quốc gia G20, giữa các quốc gia, tổ chức tham gia hội nghị đã làm nên dấu ấn đặc biệt của hội nghị G20 Osaka, giúp tăng cường hợp tác các nước trong Nhóm cũng như giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, hội nghị vẫn còn một số vấn đề chưa được thống nhất, đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn của các bên.
|
Điều gì khiến Hội nghị G20 Osaka (Nhật Bản) chưa thỏa mãn?. Ảnh: AA |
Mời quý vị xem video: Các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới tham dự Hội nghị G20
Thông qua Tuyên bố chung bao quát các vấn đề toàn cầu
Với 42 điểm liên quan tới các vấn đề: Kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế bền vững, số hóa, đổi mới sáng tạo… Tuyên bố chung đã đưa ra những quan điểm cụ thể về thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu với việc duy trì tăng trưởng bền vững, tạo dựng xã hội công bằng cho mọi đối tượng người dân, xóa bỏ khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển, giữa khu vực này với khu vực kia…
Trọng tâm nhất của hội nghị lần này là đã nhấn mạnh quan điểm chung về việc duy trì, phát triển thể chế thương mại tự do, công bằng và không phân biệt. Ngoài ra, hội nghị đã có quan điểm chung trong vấn đề lưu thông dữ liệu tự do dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, thống nhất mục tiêu theo đề án của Nhật Bản là đến năm 2050 sẽ không còn rác thải nhựa trên biển.
Các vấn đề về giáo dục, phụ nữ…có vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của thế giới. Nhật Bản và các nước sẽ tăng cường sự quan tâm hơn nữa trong vấn đề này.
Trong một phát biểu, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa đang mang lại lợi ích lớn cho các quốc gia, nhưng cũng có ý kiến cho rằng điều này khiến khoảng cách giữa các nước càng lớn. Do vậy, chúng ta phải nỗ lực xóa bỏ khoảng cách ngày càng mở rộng giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Liên quan đến duy trì thế giới phát triển bền vững, Tuyên bố cho rằng cũng cần thực hiện các biện pháp giúp các nước đang phát triển mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tất cả người dân quốc gia đó được hưởng lợi từ dịch vụ y tế, giáo dục cơ bản. Đây là điều không thể thiếu.
Để có được Tuyên bố chung, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế thế giới, trong đó tiêu điểm là xung đột thương mại Mỹ-Trung và ảnh hưởng của xung đột này đối với kinh tế thế giới và từng nước nói riêng. Do đó, các nước hy vọng hai bên sẽ có những phương án giải quyết tích cực góp phần ổn định kinh tế thế giới.
Các đại biểu cũng thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng liên quan đến hạt nhân, tầm quan trọng của cộng đồng quốc có tiếng nói chung hướng tới thế giới không có hạt nhân.
Theo sáng kiến của nước chủ nhà Nhật Bản, hội nghị cũng đa đã tham gia thảo luận và thông qua tuyên bố về kinh tế số. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Đại diện của Tổ chức thương mại thế giới…đã tham gia phát biểu và đánh giá tầm quan trọng của thương mại điện tử trong bối cảnh thế giới có 78 quốc gia và khu vực tham gia. Các ý kiến đều hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Shinzo Abe về kinh tế số.
Bản tuyên bố đã nhấn mạnh nhận thức chung số hóa sẽ làm thay đổi tích cực các nền kinh tế và xã hội, và dữ liệu sẽ trở thành yếu tố quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Do đó, sự hiệu quả đó của kinh tế số cần phải được đưa vào thực hiện tại tất cả các quốc gia.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Lễ bế mạc, Thủ tướng Shinzo Abe cũng tin tưởng rằng thông điệp của G20 được thể hiện qua Tuyên bố chung đã có thể đến được với cộng đồng quốc tế, đóng góp vào sự phát triển chung của thế giới trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Terada Terusuke-Nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Mexico, Tuyên bố chung được đưa ra cũng chưa hẳn tất cả các vấn đề được đồng thuận. Ngoài ra Tuyên bố chung cũng cần có những hành động cụ thể mới có thể hiện thực hóa các vấn đề mà G20 đang coi là đóng góp cho phát triển thế giới.
Đề xuất cải cách Tổ chức thương mại thế giới (WTO)
Trong ngày làm việc đầu tiên diễn ra vào ngày 28/6 liên quan đến thương mại đầu tư, hội nghị cũng đã thảo luận về tình hình thương mại thế giới, đề cập sâu tới xung đột thương mại Mỹ-Trung.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng sẽ có nhiều rủi ro đối với nền kinh tế thế giới trong thời gian tới do cuộc xung đột này. Về ý kiến này, nước chủ nhà Nhật Bản cho rằng tình hình này đang diễn biến phức tạp và cần phải giải quyết dựa trên những qui định của WTO về thương mại. Tuy nhiên, cũng cần phải thảo luận việc cải cách Tổ chức thương mại Thế giới tại Hội nghị G20 lần này.
Các đại biểu cũng cho rằng Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cần phải cải cách thể chế thương mại đa phương để phù hợp với thời đại. Bởi lẽ nhiều qui định của tổ chức này không còn phù hợp, khiến các quốc gia, khu vực khó thực hiện trong một số vấn đề phát sinh.
Mặc dù được thảo luận tại Hội nghị, song vấn đề cải cách WTO đã không được đưa vào bản Tuyên bố chung.
Về vấn đề này, ông Uta Shinichiro - Chủ tịch Hội nghiên cứu chính sách Nhật Bản cho biết sở dĩ vấn đề cải cách WTO không được đưa vào bản Tuyên bố chung là do còn lo ngại tình hình quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang diễn biến phức tạp, mặc dù trong cuộc hội đàm Mỹ-Trung đã thống nhất việc sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại, Mỹ sẽ không áp thuế mới đối với các mặt hàng của Trung Quốc. Nhưng đây mới chỉ lập trường từ Mỹ, còn những điều kiện có thể Mỹ đã đưa ra với Trung Quốc đã chưa được công khai. Và nếu như Trung Quốc không thực hiện những điều kiện Mỹ đưa ra, chưa chắc Mỹ đã thực hiện những điều đã nói tại G20.
Một vấn đề cũng chưa đạt được đồng thuận tại hội nghị lần này là đối sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhưng trước sức ép của Pháp và một số quốc gia, và để bảo vệ cho một Tuyên bố chung mang tính toàn diện, các bên đã nhất trí việc tác thành văn bản với xu hướng duy trì Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với sự tham gia của 19 quốc gia và khu vực không có sự tham gia của Mỹ.
Như vậy, còn có nhiều vấn đề mang tính toàn cầu mà G20 có tham vọng thúc đẩy cũng vẫn đang trong quá trình hình thành và thúc đẩy. Điều này đòi hỏi những lợi ích chung cũng phải gắn với lợi ích riêng của từng quốc gia.
Dấu ấn đặc biệt từ những cuộc tiếp xúc song phương
Nhân dịp này, hàng loạt các cuộc tiếp xúc song phương giữa nước chủ nhà và các quốc gia, khu vực, tổ chức, quốc gia là khách mời, giữa các nước tham gia với nhau đã được tiến hành. Thủ tướng Abe Shinzo từ ngày 27/6, trước khi hội nghị khai mạc cho đến khi kết thúc hội nghị đã tiến hành gần như hết với các nước, khu vực tham gia Hội nghị.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng “tranh thủ ghi điểm” ở 7 cuộc tiếp xúc song phương mà nổi bật nhất với Trung Quốc và Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tiếp xúc song phương với Mỹ, Nhật. Tại đây, nhiều mâu thuẫn song phương đã được hóa giải, tạo ra những bước phát triển tiếp theo trong quan hệ giữa các nước.
Dư luận tập trung chú ý vào các cuộc gặp song phương giữa Mỹ-Trung, Nhật-Trung, Mỹ-Nga, Nhật-Hàn, Nhật-Nga, Trung-Nga, Nga-Trung-Châu Âu và các nước Saudi Arabia với những lập trường rất khác nhau tạo nên sự tương phản thú vị với bức tranh chung chung của Hội nghị G20.
Các cuộc gặp ngoài việc thống nhất biện pháp tăng cường quan hệ song phương, nhưng tất cả các cuộc gặp tuy khác nhau nhưng đều thảo luận về những vấn đề nổi cộm, ít nhiều ảnh hưởng tới lợi ích của từng quốc gia như xung đột thương mại Mỹ-Trung, an ninh ở Biển Đông, phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, hạt nhân Iran, nhân quyền và chủ nghĩa dân chủ. Những cuộc tiếp xúc này một mặt giúp các bên hiểu nhau hơn, một mặt cũng đóng góp vào thành công của Hội nghị thượng đỉnh G20 Osaka, Nhật Bản./.
Theo Bùi Hùng/VOV-Tokyo