Tính đến 19 giờ 10 phút ngày 7/5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 271.415 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 3.939.648 ca nhiễm.
Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 1.077, số ca nhiễm tăng 28.214.
Ngoài ra, có 1.355.788 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi.
Trung tâm ứng phó khủng hoảng COVID-19 của Nga ngày 8-5 cho biết trong 24 giờ qua, số ca nhiễm của nước này tăng thêm 10.699, đưa tổng ca nhiễm trên toàn quốc lên 187.859. Nga cũng là nước có số bệnh nhân COVID-19 cao thứ năm thế giới sau Mỹ (1.292.879), Tây Ban Nha (260.117), Ý (215.858) và Anh (206.715).
|
Chôn cất người chết vì COVID-19 ở TP St.Petersburg, Nga. Ảnh: THE MOSCOW TIMES |
Tuy vậy, con số 10.699 có giảm so với 11.231 ca hôm 7/5. Đây là ngày thứ sáu liên tiếp Nga ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày trên 10.000.
Ngoài ra, Nga thông báo thêm 98 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số người chết tại đây lên 1.723.
Hàn Quốc: Tăng ca nhiễm trở lại, phát hiện cụm lây nhiễm mới
Hàn Quốc ngày 8/5 ghi nhận 12 ca bệnh COVID-19 mới. Đây là lần đầu tiên trong năm ngày Hàn Quốc có số ca nhiễm trên 10 mỗi ngày. Nhà chức trách cảnh báo số ca nhiễm sẽ tăng sau khi phát hiện một cụm lây nhiễm mới liên quan tới một nam giới 29 tuổi.
Nhân viên một công ty IT này đã lây virus cho ít nhất 14 người khác khi di chuyển quanh thủ đô Seoul và bốn TP lân cận trong thời gian nghỉ cuối tuần kéo dài hồi đầu tháng 5, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc cho biết.
|
Người dân đi qua một nhà hàng ở khu phố Itaewon ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: BLOOMBERG |
Nam giới này đã đến ba câu lạc bộ đêm ở khu phố đa văn hóa nổi tiếng Itaewon ở Seoul hôm 1/5 và 2/5. Có ít nhất 1.500 người tại các câu lạc bộ đêm đó. Người này đã không đeo khẩu trang khi đến các câu lạc bộ và chỉ bắt đầu biểu hiện triệu chứng vào cuối ngày 2/5.
Thứ trưởng Bộ Y tế Kim Gang-lip đã hối thúc những ai đã đến các câu lạc bộ này ở Itaewon trong thời gian nói trên không ra khỏi nhà và liên hệ với giới chức nếu họ có triệu chứng.
Chính phủ hiện có kế hoạch ban hành lệnh hành chính yêu cầu các địa điểm giải trí như câu lạc bộ đêm và quán bar tình nguyện đình chỉ hoạt động trong ít nhất một tháng, ông Yoon Tae-ho - lãnh đạo bộ phận chính sách y tế công cộng Hàn Quốc cho biết ngày 8/5.
Kể từ ngày 1/4, số ca nhiễm mỗi ngày ở Hàn Quốc giảm dần, dưới mức 100 ca/ngày và tầm trên dưới 10 ca/ngày những ngày gần đây. Điều này cho phép các quan chức nới lỏng các hướng dẫn giãn cách xã hội, lên lịch mở cửa trường học và cho phép các sự kiện thể thao chuyên nghiệp trở lại hoạt động mà không có người hâm mộ trên khán đài.
Tính đến nay, Hàn Quốc có 10.822 ca nhiễm trong đó 256 ca tử vong.
WHO: COVID-19 có thể làm 44 triệu người châu Phi nhiễm với 190.000 người chết
Theo mô hình dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sẽ có khoảng 44 triệu người ở châu Phi nhiễm COVID-19 trong năm đầu tiên của đại dịch nếu các biện pháp ngăn chặn thất bại. Điều đó dẫn đến việc sẽ có khoảng 83.000 – 190.000 người tử vong.
Nghiên cứu được WHO công bố hôm 7/5. Nghiên cứu tính toán trên 47 quốc gia với tổng dân số 1 tỉ người. Theo nghiên cứu, Algeria, Nam Phi và Cameroon cùng với một số quốc gia nhỏ hơn gặp nguy cơ cao nếu các biện pháp ngăn chặn không được ưu tiên.
|
Vòng tròn giãn cách xã hội nhằm kiềm chế dịch COVID-19 tại một tram chờ xe buýt ở thủ đô Kigali (Rwanda). Ảnh: GETTY IMAGES |
Đến nay, châu Phi chưa bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch như các khu vực khác. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc y tế và kinh tế yếu kém cũng như tình hình khẩn cấp y tế đang xảy ra ở một số nước đã khiến các quan chức y tế lo ngại.
Một nghiên cứu hồi tháng 3 của WHO ước tính ở nhiều nước trung bình chỉ có 9 giường bệnh chăm sóc tích cực trên một triệu người.
Bà Matshidiso Moeti, Giám đốc phụ trách khu vực châu phi của WHO cho hay gần 1.000 nhân viên y tế ở châu Phi đã nhiễm COVID-19.
Mặc dù đã có những thành công – đáng chú ý là ở Namibia và Seychelles, những nơi không ghi nhận ca nhiễm mới trong một tháng nhờ giám sát và các biện pháp cách ly- nhưng WHO cảnh báo các bệnh viện có thể quá tải nếu các con số không tiếp tục được kiểm soát.
Mô hình của WHO cũng cho thấy tốc độ lây nhiễm chậm hơn và tỉ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn của châu Phi có thể khiến châu lục này phải chịu một đợt dịch kéo dài tới vài năm.
“Dẫu COVID-19 không lây lan theo cấp số nhân ở châu Phi như ở các khu vực khác trên thế giới, nhưng nó sẽ luôn âm ỉ tại các điểm nóng lây nhiễm”, bà Moeti nói.
Chuyên gia WHO: Virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ dơi, có thể lây nhiễm cho mèo
Tại một cuộc họp báo ngày 8-5, ông Peter Ben Embarek - một chuyên gia về dịch bệnh lây từ động vật lây sang người cho biết virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có nguồn gốc từ dơi và có thể lây nhiễm cho mèo.
Cụ thể, ông Embarek nói rằng virus SARS-CoV-2 đến từ một nhóm virus có nguồn gốc hoặc lây lan ở loài dơi và hiện chưa rõ loài vật nào đã lây nhiễm virus này cho người.
Ông nói rằng con người bị nhiễm virus thông qua tiếp xúc với các động vật được nuôi để lấy thịt mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa xác định được đó là loài động vật nào.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng mèo và chồn sương dễ bị nhiễm COVID-19, trong khi chó cũng có thể nhiễm nhưng ở mức độ thấp hơn, ông Embarek nói.
Các câu hỏi về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 đã bùng nổ dữ dội sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng virus đến từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn khẳng định rằng virus có nguồn gốc từ động vật và có khả năng xâm nhập vào con người tháng 11/2019.