Ông Matthieu Heimel ra đời tại Philippines và sống tại một cô nhi viện cho đến khi được nhận nuôi vào lúc 1 tuổi rưỡi. Hiện ông sống ở Perth - Úc. Ông quyết định đi tìm cha mẹ ruột vào năm 2018 sau khi 2 con trai của ông bắt đầu hỏi han về nguồn gốc gia đình.
Sau khi dùng ADN để tìm kiếm vào năm 2018, người đàn ông 41 tuổi đã tìm được cha ruột nhưng cha ông cũng chỉ mới gặp mẹ ông vài lần. Sau khi tìm được danh tính của mẹ ruột, ông Heimel đã liên lạc được với các thành viên khác trong gia đình tại Philippines qua Facebook.
Lúc này, ông mới biết tin mẹ ruột đã biến mất không dấu vết và có lẽ đã bị sát hại sau khi chuyển đến sống ở TP Melbourne - Úc. Trên chương trình "Mọi Gia đình đều có một Bí mật" trên kênh SBS, ông Heimel chia sẻ ông đã đến TP Melbourne để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra với bà Nenita Evans.
Bà Nenita Evans. Ảnh: SBS
Được biết, bà Evans chuyển đến TP Melbourne vào năm 1985 và cưới ông Greg Evans. Hai người biết nhau ở Manila nhiều năm trước. Sau khi nhận công việc quản gia tại Câu lạc bộ Melbourne nổi tiếng, bà thường xuyên được ông chủ là Vicenzo Leonardi đưa về nhà. Theo các phóng viên của tờ The Age, có tin đồn rằng hai người họ ngoại tình.
Có lần, ông Leonardi giao cho bà Evans phụ trách việc cắm hoa ở câu lạc bộ quý ông nên bà đi bắt đầu đi học lớp cắm hoa ban đêm. Tuy nhiên, khi trở lại nơi làm việc để nộp hồ sơ vào ngày 8-1-1987, bà bỗng nhiên mất tích.
Ban đầu, chồng bà Evans trở thành nghi phạm chính của vụ việc nhưng cảnh sát bang Victoria đã thất bại trong việc tìm ra chân tướng. Trong khi đó, trên đường đi tìm tung tích cha mẹ ruột, ông Heimel đã phát hiện ra một số chi tiết đáng lo ngại có thể liên quan đến sự mất tích của bà Evans.
Ông Matthieu Heimel. Ảnh: SBS
Một người phụ nữ khác tên Milagros Dark, từng làm việc cùng nơi với bà Evans, bị sát hại vào năm 1990, ba năm sau khi bà Evans mất tích. Bà Dark cũng thân thiết với ông Leonardi và được ông này đưa về nhà sau giờ làm.
Sau đó, ông Heimel phát hiện ra một người phụ nữ thứ 3 có liên quan đến Câu lạc bộ Melbourne, tên là Anna Maria Pontarollo, cũng biến mất không dấu vết vào năm 1954. Bà Pontarollo sống cùng ông Leonardi ở Melbourne và họ có 2 người con.
Sau đó, vợ ông này từ Ý chuyển đến nên ông ta cùng chung sống với 2 người phụ nữ dưới 1 mái nhà. Khi bà Pontarollo biến mất, ông Leonardi liền nói với 2 người con của bà Pontarollo rằng vợ ông ta mới là mẹ ruột của 2 bé.
Vào năm 1995, ông ta có đến các phiên điều trần tại tòa về vụ mất tích của bà Evans nhưng không cung cấp bằng chứng và viện dẫn các quyền của mình để tránh tự buộc tội. Ông Heimel đang tiếp tục làm sáng tỏ các manh mối để tìm câu trả lời và công lý sau khi ông Leonardi qua đời năm 2009.
Bà Milagros Dark bị phát hiện đã chết vào năm 1990. Ảnh: SBS
Trả lời trang tin Yahoo News, ông Heimel cho biết ông phải kiềm chế cảm xúc mỗi khi tìm được một phát hiện động trời. "Thật khó để bày tỏ cảm xúc của mình khi đi từ khám phá này sang khám phá khác. Khi tôi bắt đầu chặng đường tìm mẹ ruột, tôi đã hy vọng nó không quá muộn" - ông nói.
Theo lời người thầy giáo này, sau khi hiểu được chuyện gì đã xảy ra với mẹ ruột, ông có thể khép lại chương này của cuộc đời và nói với các con rằng ông đã làm hết khả năng để tìm hiểu về nguồn cội của mình. "Tôi rất tự hào khi có thể đứng lên và đối mặt với các thách thức dù nó không dễ nghe chút nào" - trích lời ông Heimel.
Trong quá trình tìm kiếm sự thật, ông Heimel nhận được một chiếc chăn đan móc do bà Evans làm. "Đây là lần đầu tiên tôi có thể chạm vào thứ gì đó được mẹ làm, thật xúc động" - ông chia sẻ.
Việc ông Heimel đi tìm mẹ đẻ và nguồn cội của mình chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" và ông cho biết còn rất nhiều điều khác trong câu chuyện của mình. Ngoài ra, ông còn mong muốn có thể tìm lại công lý cho mẹ cũng như 2 người phụ nữ mất tích.
Trong lúc tìm hiểu điều gì đã xảy ra với 3 người phụ nữ, ông Heimel đã thuyết phục cảnh sát bang Victoria xem xét lại cả 3 vụ án. "Tôi đang cố giành lại công lý cho những người phụ nữ này. Mục tiêu của tôi đã thay đổi đáng kể so với thời điểm bắt đầu tìm kiếm" - ông Heimel cho biết.
Theo Bảo Hạnh/Nguoiduatin