Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống. Trước đó, Hạ viện ngày 20/4 đã thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, trong đó có gần 61 tỷ USD cho Ukraine.
Dự luật sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành thành luật. Sau khi có kết quả bỏ phiếu, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ nhanh chóng phê duyệt trong ngày 24/4.
Theo dự luật, khoản viện trợ lớn nhất cung cấp 61 tỷ USD cho Ukraine, khoản thứ hai cung cấp 26 tỷ USD cho Israel và viện trợ nhân đạo cho dân thường ở các khu vực xung đột trên khắp thế giới, và khoản thứ ba cung cấp 8,12 tỷ USD cho các đồng minh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong gói viện trợ cho Ukraine, khoảng 23 tỷ USD sẽ được Mỹ sử dụng để bổ sung kho dự trữ vũ khí, tạo điều kiện để tiếp tục chuyển giao khí tài cho Ukraine. 14 tỷ USD dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, cho phép Lầu Năm Góc trực tiếp mua vũ khí từ các nhà thầu Mỹ và chuyển cho Kiev.
Đây có thể là gói viện trợ cuối cùng của Mỹ dành cho Ukraine cho đến khi các cuộc bầu cử tổng thống, Hạ viện và một phần Thượng viện Mỹ diễn ra vào tháng 11.
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện cho rằng quốc hội đã gửi thông điệp cảnh báo đến các đối thủ bên ngoài rằng Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine và các đối tác khác.
“Đây là bước ngoặt trong lịch sử. Nền dân chủ phương Tây có lẽ đang đối diện mối đe dọa lớn nhất từ cuối Chiến tranh Lạnh”, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer nói.
Lãnh đạo phe thiểu số Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell bày tỏ sự tiếc nuối vì khoản viện trợ cho Ukraine bị trì hoãn, phần lớn do các thành viên theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa tại Hạ viện. “Tôi nghĩ chúng ta đã xoay chuyển được phong trào chủ nghĩa cô lập”, ông McConnell nói tại một cuộc họp báo.
Theo Mai Trang/VOV.VN