Trong cuộc phỏng vấn với EURACTIV hôm 16/5, giữa bối cảnh giao tranh Nga - Ukraine chưa dừng lại, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đưa ra nhận xét rằng "ông Putin cảm thấy bản thân là trung tâm của sự chú ý vì mọi người đều muốn nói chuyện với ông ấy", bà Kallas nói. "Tôi cảm thấy nếu mọi người liên tục điện đàm, Putin sẽ không cảm nhận được 'tín hiệu' bị cô lập. Do đó, nếu muốn truyền tải thông điệp "ông đang bị cô lập đấy", thì tốt nhất đừng gọi cho ông ta".
Bà Kallas đồng thời nhấn mạnh những cuộc điện đàm này sẽ không tạo ra kết quả gì. "Tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc căng thẳng giảm leo thang, bởi vì sau tất cả các cuộc đàm phán, sự kiện ở Bucha hay Irpin vẫn xảy ra", Thủ tướng Estonia đề cập đến những hậu quả nặng nề trong giao tranh mà phương Tây cáo buộc Nga gây ra dù Moscow kịch liệt phủ nhận.
|
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có cuộc đàm 2 tiếng với ông Putin hôm 3/5. Ảnh: Reuters |
Trên thực tế, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước láng giềng, dường như không nhiều nhà lãnh đạo phương Tây duy trì đối thoại trực tiếp với ông chủ Điện Kremlin. Trong suốt khoảng thời gian giao tranh xảy ra, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người đối thoại thường xuyên nhất với ông Putin, trong đó có cuộc điện đàm kéo dài hơn hai giờ vào hôm 3/5. Cũng trong đầu tháng này, Tổng thống Nga cũng có cuộc nói chuyện với người đồng cấp Phần Lan, Sauli Niinisto và Thủ tướng Đức Olaf Scholz
Hồi đầu tháng 4, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định "không thể có sự xa cách hoặc cô lập hoàn toàn đối với Nga, điều này là bất khả thi về mặt công nghệ trong thế giới hiện đại, thế giới rộng lớn hơn nhiều so với châu Âu". "Bản thân nước Nga cũng lớn hơn nhiều so với châu Âu", ông nói thêm.
Nguyễn Nguyễn (Theo RT)