Trận lũ lụt lịch sử chưa từng có trong vòng 100 năm hoành hành ở miền Bắc Italy đã buộc Thủ tướng Giorgia Meloni sớm rời hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima để về nước chỉ đạo công tác cứu hộ.
Ngay trong ngày 21/5, máy bay chở Thủ tướng Meloni đã hạ cánh tại thành phố Rimini. Nhà lãnh đạo Italy nhanh chóng tới thăm khu vực Emilia Romagna, nơi lũ lụt khiến 14 người thiệt mạng, gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Trận lũ lụt lịch sử Italy đã khiến 36.000 người ở các vùng bị ảnh hưởng phải đi rời khỏi nơi cư trú. Những người còn mắc kẹt trong vùng lũ lụt đang sống trong cảnh mất điện. Khu vực bị ảnh hưởng vốn là nơi trồng nhiều loại hoa quả như đào, kiwi, mơ, chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế.
|
Vùng Emilia Romagna (Italy) vừa oằn mình chống chọi trận lũ lụt lịch sử. Ảnh: Getty. |
Tổng liên đoàn Nông nghiệp Italy (Confagricontura) ước tính, mức thiệt hại kinh tế của mỗi ha đất là 6.000 Euro (6.500 USD) đối với các loại cây trồng như lúa mì, lúa mạch, ngô, đậu tương, hoa hướng dương, cỏ linh lăng và các loại cây lấy hạt khác. Thiệt hại của các vườn cây ăn trái, vườn nho và vườn ô liu cao gấp 5 lần, ở mức 32.000 Euro/ha (35.000 USD).
Trong khi đó, Liên đoàn Nông dân Quốc gia Italy (Coldiretti) nhận định, thiệt hại là "không thể đo đếm được" trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là trái cây và rau quả. Tuyên bố nêu rõ: "Việc nước đọng trong vườn cây ăn quả sẽ làm "nghẹt thở" rễ cây cho đến khi chúng bị thối rữa và có nguy cơ hủy hoại toàn bộ số cây trồng, và sẽ mất nhiều năm trước khi có thể sản xuất trở lại". Hiện có tới 40 thành phố có các loại cây trồng như vậy bị nhấn chìm trong nước lũ.
Sản lượng đã được thu hoạch cũng bị đe dọa. Ông Massimo Masetti, Giám đốc Hiệp hội Nông nghiệp tỉnh Ravenna, cảnh báo: "Tại nhiều nơi, nước đã tràn vào kho và ngũ cốc bị ướt gây thiệt hại kinh tế lớn".
Các tổ chức nông nghiệp cho biết, hiện có hơn 5.000 trang trại có nhà kính/vườn ươm, chuồng trại bị chìm trong nước. Nhiều thị trấn trên đỉnh đồi không bị thiệt hại do lũ lụt, nhưng sau nhiều ngày không có thức ăn, nước và điện, tình hình trở nên tồi tệ.
Vùng Emilia-Romagna hiện vẫn bị đặt trong tình trạng báo động đỏ vào ngày 21/5, với các trận mưa quay trở lại khiến nhiều khu vực rộng lớn vẫn chìm trong nước và sạt lở đất chưa dừng lại, đặc biệt là ở các khu vực thuộc vùng núi Apennines.
Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Bảo vệ Dân sự vùng Emilia-Romagna, bà Irene Priolo cho biết khoảng 100 thành phố và thị trấn trong vùng đã bị thiệt hại do lũ lụt, gấp 3 lần số lượng bị ảnh hưởng do trận động đất kinh hoàng xảy ra ở khu vực này vào năm 2012.
Lũ lụt đã gây ra hơn 305 vụ lở đất và làm hư hỏng hoặc đóng cửa hơn 500 con đường, với mức thiệt hại lên tới nhiều tỷ euro.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, bà Priolo nói: "Nhìn từ trên cao, vùng này trông giống như đã bị đánh bom. Ở một số khu vực, chúng tôi sẽ phải xây dựng lại những con đường mới, thay đổi hoàn toàn hình dạng của mạng lưới đường bộ”.
Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Bologna, ông Matteo Lepore đánh giá sẽ phải mất “hàng tháng và ở một số nơi có thể hàng năm” để sửa chữa đường sá và cơ sở hạ tầng.
Thảo Nguyên (Theo Reuters)