Chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, được báo giới cũng như các chuyên gia phân tích quốc tế đều có những phản ánh và đánh giá tích cực.
Hãng tin Reuters (Anh) nhấn mạnh đây là “chuyến thăm bước ngoặt của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam”. Hãng tin này cũng dẫn thông tin hàng loạt các quan chức Mỹ đến thăm Việt Nam gần đây như Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Aston Carter…. đang giúp cải thiện lòng tin giữa hai nước. Ngoài ra, việc Mỹ nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam vào tháng 10 năm ngoái, cho phép hai bên tăng cường hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực quân sự. Chuyên gia Ernest Bower được Reuters dẫn lời rằng, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm phá bỏ các rào cản giữa hai bên và hai nước đang bước vào một giai đoạn hợp tác mới sâu sắc hơn trong các lĩnh vực.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn của báo chí quốc tế trước chuyến thăm Hoa Kỳ. |
Còn hãng tin AP của Mỹ khẳng định: Hợp tác kinh tế là trụ cột chính trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ cách đây 20 năm. Đây vẫn là ưu tiên của hai nước để thúc đẩy mối quan hệ trong giai đoạn hiện nay. Báo này đưa dẫn chứng từ năm 1995, thương mại song phương Mỹ-Việt Nam tăng từ mức 451 triệu USD Mỹ lên 35 tỉ USD vào năm ngoái. Việt Nam hiện đã vượt qua Malaysia và Thái Lan, trở thành quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu hàng đầu tới Mỹ.
Hãng tin AFP của Pháp dẫn tuyên bố của Nhà trắng rằng Tổng thống Obama hoan nghênh cơ hội thảo luận những vấn đề như TPP, nhân quyền, hợp tác quốc phòng song phương và cho rằng chuyến thăm sẽ giúp hai nước cải thiện mối quan hệ song phương.
Hãng tin Xinhua của Trung Quốc cũng đưa tin về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ. Theo đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tới Mỹ diễn ra 40 năm sau khi kết thúc chiến tranh tại Việt Nam và 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt -Mỹ là một chuyến thăm lịch sử.
Còn tờ Asahi của Nhật Bản dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Giống như bất cứ mối quan hệ giữa hai nước nào trên thế giới, Việt Nam và Mỹ cũng có những vấn đề khác biệt. Để giải quyết các khác biệt này, cách hiệu quả nhất là đối thoại xây dựng và cởi mở để tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Vì vậy, các khác biệt sẽ không thành rào cản cho mối quan hệ song phương nói chung”.
Trả lời câu hỏi của các hãng thông tấn quốc tế về những thử thách lớn đối với kinh tế Việt Nam hiện nay là gì và Việt Nam sẽ tập trung chủ yếu vào những chính sách gì để thúc đẩy nền kinh tế? Nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian tới? Việt Nam đã sẵn sàng gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương chưa?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sau 30 năm tiến hành đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội to lớn. Từ một nước chậm phát triển với nền kinh tế khép kín, nay Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế phát triển năng động và ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam còn chưa bền vững và sức cạnh tranh còn hạn chế. Việc bước vào nhóm nước thu nhập trung bình đang đặt ra những thách thức lớn, trong đó nổi lên là thách thức làm sao không để rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" và tạo dựng được một nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội và thân thiện với môi trường.
Đồng thời, Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ bên ngoài, như tác động của khủng hoảng tài chính - tiền tệ toàn cầu, sức cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thế giới, quá trình liên kết với yêu cầu ngày càng cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Tuy nhiên, có nội lực mạnh mới có thể xử lý được thách thức bên ngoài, thậm chí còn hóa giải được thách thức, tận dụng được thời cơ để vươn lên. Nhằm mục đích đó, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới với ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế, phát triển nguồn nhân lực và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nhằm khơi dậy và giải phóng các tiềm năng của đất nước.
"Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tôi cho rằng đây là một Hiệp định có quy mô rất lớn, với sự tham gia của nhiều nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và thế giới, đồng thời bao hàm nhiều vấn đề thương mại thế hệ mới và mức độ cam kết cao hơn nhiều so với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị nghiêm túc, chúng tôi có đủ tự tin và tham gia thành công vào tiến trình quan trọng này. Và trên thực tế, chúng tôi đang cùng đoàn Hoa Kỳ và các thành viên khác nỗ lực để có thể kết thúc đàm phán trong thời gian sớm nhất.
Chúng tôi cũng nhận thức rằng, là quốc gia đang phát triển ở trình độ thấp hơn so với các nước đối tác trong TPP, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, nhất là về hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và thủ tục đầu tư,... nhằm tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Ngoài ra, trước câu hỏi Trung Quốc và Hoa Kỳ là những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, đồng thời cả hai nước đều đang tăng cường mạnh mẽ ảnh hưởng của mình tại khu vực. Vậy Việt Nam sẽ làm gì trong bối cảnh này?
Tổng bí thư nói: Trung Quốc và Hoa Kỳ đều là hai cường quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. "Việc Trung Quốc và Hoa Kỳ có vai trò và ảnh hưởng quan trọng ở khu vực cũng là dễ hiểu. Thực tiễn cho thấy, nếu các nước lớn hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, không ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của nước khác, đồng thời đóng góp tích cực và xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực, thì luôn được cộng đồng các nước hoan nghênh.
Hiện nay, Trung Quốc và Hoa Kỳ đều là hai đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Do đó, việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu của chúng tôi. Bên cạnh đó, cũng như các nước khác trong khu vực, chúng tôi mong muốn quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ phát triển ổn định, đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực".
Theo Báo Giao Thông