Trên một con đường dài hướng về trung tâm nước Úc, nhiều công trình bí ẩn xuất hiện - những đống đất nằm rải rác giống như những di tích bị lãng quên. Thỉnh thoảng, có một cái ống màu trắng nhô lên khỏi mặt đất bên cạnh chúng. Đây là những dấu hiệu đầu tiên của Coober Pedy, một thị trấn khai thác đá opal với dân số khoảng 2.500 người. Nhiều ngọn đồi nhỏ của nó là đất thải từ nhiều thập kỷ khai thác, nhưng chúng cũng là một cảnh tượng đặc trưng địa phương - cuộc sống dưới lòng đất.
Ở đây, 60% dân số sống trong những ngôi nhà được xây dựng bằng đá sa thạch sâu dưới lòng đất. Trong một số khu dân cư, dấu hiệu duy nhất của sự sống là các trục thông gió nhô lên khỏi mặt đất và chỗ đất thừa được đổ gần lối vào.
|
Thị trấn Coober Pedy.
|
Vào mùa đông, lối sống này có vẻ bị coi là lập dị. Nhưng vào những ngày mùa hè, người dân Coober Pedy không cần giải thích nhiều, bởi vì nhiệt độ thường xuyên lên tới 52 độ C. Nơi này nóng đến mức chim thi thoảng rơi từ trên trời xuống và đồ điện tử phải được bảo quản trong tủ lạnh.
|
Không chỉ có nhà ở dưới lòng đất, Coober Pedy còn có cả những nhà hàng, cửa hàng và nhà nghỉ.
|
Năm nay, thị trấn có vẻ đi tiên phong hơn bao giờ hết. Vào tháng 7, thành phố Chongquing, ở phía tây nam Trung Quốc, đã mở các hầm trú bom được xây dựng trong Thế chiến II để che chở cho công dân khỏi một mối đe dọa khác: thời tiết khắc nghiệt kéo dài. Khi đợt nắng nóng gay gắt tiếp tục diễn ra ở Mỹ - với nhiệt độ thậm chí xương rồng cũng không thể chịu được - và cháy rừng thiêu rụi nhiều khu vực phía nam châu Âu, chúng ta có thể học được gì từ cư dân của Coober Pedy?
Một giải pháp hiệu quả
Dọc theo con đường đến Coober Pedy là thị trấn chính. Thoạt nhìn, có thể dễ nhầm đây là một khu định cư hẻo lánh thông thường - đường phố phủ đầy bụi với một số nhà hàng, quán bar, siêu thị và trạm xăng. Trên một sườn núi, nhìn ra quang cảnh này là cái cây duy nhất của thị trấn, một tác phẩm điêu khắc làm bằng kim loại. Coober Pedy trống rỗng một cách kỳ lạ. Các tòa nhà cách nhau khá xa và có gì đó cảm giác không đúng lắm.
|
Ở Coober Pedy, đất đá mềm đến mức có thể dùng xẻng để đào.
|
Nhưng dưới mặt đất, tất cả đều được lý giải. Một số “đường hầm” của Coober Pedy, được đặt bên trong những tòa nhà nhỏ bình thường. Khi bạn bước vào bên trong, những lối đi ngầm xuống lòng đất dần dần lộ ra. Một số đường vào khác dễ tìm hơn - tại Riba's, một khu cắm trại nơi mọi người có thể dựng lều của họ trong những hốc sâu vài mét dưới mặt đất, lối vào là một đường hầm tối tăm.
Ở Coober Pedy, các tòa nhà dưới lòng đất phải sâu ít nhất 4 mét để tránh bị sập mái và dưới này, nhiệt độ luôn ở mức 230C dễ chịu. Trong khi cư dân trên mặt đất phải chịu đựng mùa hè nóng bức và những đêm mùa đông lạnh giá, nơi nhiệt độ thường xuyên giảm xuống chỉ còn 2-30C, thì những ngôi nhà dưới lòng đất luôn luôn ở nhiệt độ phòng hoàn hảo quanh năm.
Ngoài sự thoải mái, một lợi thế lớn của cuộc sống dưới lòng đất là chi phí. Coober Pedy tự sản xuất điện - 70% trong số đó được cung cấp bởi gió và mặt trời - nhưng họ lại không cần sử dụng điều hòa. “Để sống trên mặt đất, bạn phải trả rất nhiều tiền cho việc sưởi ấm và làm mát, khi nhiệt độ thường trên 500C vào mùa hè”, ông Jason Wright, người điều hành trại Riba’s cho biết.
Nhiều ngôi nhà dưới lòng đất ở Coober Pedy có giá tương đối phải chăng. Trong cuộc đấu giá gần đây, một căn nhà ba phòng ngủ đã được bán với giá khoảng 40.000 AUD (609 triệu VND). Mặc dù ở thành phố lớn gần nhất - Adelaide, giá nhà trung bình là 700.000 AUD (10,7 tỷ VND). Các lợi thế khác bao gồm không có côn trùng cũng như không bị ô nhiễm âm thanh và ánh sáng.
Kỳ lạ thay, lối sống dưới lòng đất cũng là biện pháp bảo vệ khỏi động đất, hiện tượng mà ông Wright mô tả là chỉ tạo ra tiếng ồn rung động tăng dần đến đỉnh điểm, sau đó lăn qua phía bên kia của đường hầm. “Chúng tôi đã chứng kiến hai trận động đất kể từ khi tôi sống ở đây”, ông cho biết.
Một nơi ở lý tưởng
Câu hỏi hiện giờ là liệu những ngôi nhà dưới lòng đất có thể giúp mọi người đối phó với tác động của biến đổi khí hậu ở những nơi khác không? Và tại sao chúng không phổ biến hơn? Coober Pedy là nơi hoàn hảo cho lối sống này, phần lớn là nhờ loại đá đặc thù - “Nó rất mềm, bạn có thể dùng dao bỏ túi hoặc thậm chí móng tay để cào nó”, ông Barry Lewis, người làm việc tại trung tâm thông tin du lịch cho biết.
Quay trở lại những năm 1960 và 1970, cư dân Coober Pedy đã mở rộng nhà của họ giống như cách họ tạo ra các mỏ đá opal - sử dụng chất nổ, cuốc và xẻng. Một số người không cần đào bới nhiều, bởi họ tận dụng luôn các hầm mỏ bỏ hoang làm điểm xuất phát. Ngày nay, chúng thường được tạo ra bằng thiết bị đào hầm công nghiệp. “Một máy đào hầm tốt có thể đào khoảng sáu mét khối đá mỗi giờ, bạn có thể hoàn thành một đường hầm trong vòng chưa đầy một tháng”, ông Wright nói.
Tuy nhiên, việc đào bằng xẻng vẫn hoàn toàn khả thi. Và là một khu vực khai thác đá opal, nên đào đất lại kiếm ra tiền. Một người đàn ông đã phát hiện ra một viên đá quý lớn nhô ra khỏi tường khi anh đang lắp vòi hoa sen và một khách sạn địa phương đã phát hiện ra những viên ngọc mắt mèo trị giá 1,5 triệu AUD (22,9 tỷ VND) khi đang xây dựng một phần mở rộng.
Đá sa thạch có cấu trúc chắc chắn mà không cần hỗ trợ, vì vậy có thể tạo ra những căn phòng với trần nhà cao, theo bất kỳ hình dạng nào bạn thích mà không cần thêm vật liệu. Ở Coober Pedy nhiều người dân địa phương sống trong những ngôi nhà sang trọng, công phu với bể bơi ngầm, phòng chơi game, phòng tắm rộng rãi và phòng khách cao cấp. Một người dân địa phương trước đây đã mô tả ngôi nhà dưới lòng đất của mình “giống như một lâu đài”, được xây dựng với 50.000 viên gạch và có những chiếc cửa hình vòm dẫn đến mọi phòng. “Chúng tôi có một số ngôi nhà tuyệt đẹp ở đây”, ông Wright nói, người giải thích rằng cư dân ở đây nổi tiếng là kín đáo vì vậy phần lớn thời gian, bạn chỉ có thể tìm hiểu về họ khi được mời ăn tối.
Tuy nhiên, các boong-ke chống nhiệt này cũng có một số nhược điểm. Ông Lewis hiện đang sống trên mặt đất, trong một công viên dành cho nhà lưu động, sau khi ngôi nhà dưới lòng đất của ông - tại chính vị trí đó - bị sập. “Nó không phải điều thường xuyên xảy ra”, ông cho biết. Việc cư dân vô tình phá tường nhà hàng xóm cũng không phải là cảnh tượng hiếm có.
Bất chấp thất bại, ông Lewis vẫn lưu luyến cuộc sống dưới lòng đất và ông Wright đề xuất nó cho bất kỳ ai hiện đang chịu đựng nhiệt độ cao bất thường. “Không có gì phải bàn cãi khi bạn trải nghiệm sức nóng kinh khủng đó”, ông nói.
Theo Hoài Vy/Tiền Phong