“Tôi thấy những điểm giống với thảm kịch Titanic, khi thuyền trưởng liên tục được cảnh báo về băng phía trước con tàu nhưng lại lao hết tốc lực vào “một cánh đồng băng” trong một đêm không trăng và hậu quả là nhiều người thiệt mạng”, ông Cameron nói với ABC News ngày 22/6.
"Thảm kịch tương tự lại xảy ra vì không chú ý đến cảnh báo tại cùng một địa điểm khi các chuyến lặn vẫn diễn ra trên khắp thế giới. Tôi nghĩ điều đó thật đáng kinh ngạc, thực sự khá kỳ quái", đạo diễn phim Titanic nói thêm.
Ông Cameron nhấn mạnh rằng thông tin về vụ nổ tàu lặn Titan “chắc chắn không phải điều ngạc nhiên”.
Ông cho biết, khi mới nghe tin tàu Titan mất tích, ông đã liên lạc với nhóm lặn của mình và biết rằng con tàu này mất liên lạc và mất dấu vết gần như ngay lập tức, chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ sau khi lặn xuống biển.
|
Đạo diễn James Cameron. Ảnh: Reuters. |
“Kịch bản duy nhất xuất hiện trong đầu tôi là một vụ nổ. Sóng xung kích mạnh đến mức đã thực sự phá huỷ hệ thống giảm áp lực của con tàu và nguồn cung cấp điện riêng để duy trì thiết bị phát đáp giúp theo dõi vị trí của tàu”, ông nói.
Vị đạo diễn nổi tiếng cho biết ông tiếp tục tìm kiếm kỹ hơn và nhận được một số thông tin dường như cho thấy con tàu chắc chắn đã nổ, trước khi lực lượng tìm kiếm xác nhận.
Ông cho rằng chiến dịch tìm kiếm tàu lặn Titan mất tích suốt mấy ngày qua chỉ dựa vào hy vọng hão huyền.
“Tôi theo dõi những ngày tiếp theo khi lực lượng tìm kiếm chạy đôn chạy đáo. Biết rõ rằng điều đó là vô ích nhưng tôi vẫn hy vọng mình sai”, Cameron nói. Ông cũng gửi lời chia buồn đến gia đình những người thiệt mạng.
Tờ Wall Street Journal hôm 22/6 dẫn lời quan chức cấp cao hải quân Mỹ giấu tên cho biết lực lượng này bắt đầu theo dõi tàu lặn Titan gần như ngay sau khi con tàu mất liên lạc hôm 18/6.
Theo quan chức này, một hệ thống phát hiện âm thanh dưới nước bí mật của hải quân Mỹ, vốn được dùng để phát hiện tàu ngầm của kẻ thù, "đã nghe thấy tiếng động cho thấy một vụ ép nát hoặc vỡ nổ xảy ra gần khu vực tàu lặn Titan mất tích".
|
Quan chức cấp cao hải quân Mỹ giấu tên cho biết lực lượng này bắt đầu theo dõi tàu lặn Titan gần như ngay sau khi con tàu mất liên lạc hôm 18/6. Ảnh: OceanGate Expeditions. |
Hải quân Mỹ đã thông báo phát hiện này cho lực lượng tuần duyên, bên dẫn đầu cuộc tìm kiếm tàu Titan. Hải quân Mỹ khi đó chưa thể khẳng định âm thanh họ nghe được là tàu Titan bị ép nát. Họ không công khai thông tin này trên truyền thông để đảm bảo chiến dịch tìm kiếm cứu hộ, tức là đặt mục tiêu tìm được người sống sót, vẫn diễn ra. Tuy nhiên, phát hiện của hải quân đã giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm con tàu trước khi tìm thấy mảnh vỡ hôm 22/6.
Ngày 22/6, Tuần duyên Mỹ cho biết đã tìm thấy mảnh vỡ của tàu lặn gần khu vực của tàu Titanic, ở độ sâu 3.800m dưới đáy biển. Thông báo này khép lại chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ quốc tế trong 4 ngày. Các quan chức cho biết, phân tích cho thấy mảnh vỡ tìm thấy dưới đáy biển phù hợp với kịch bản nổ buồng áp suất của tàu ngầm. Cả 5 người trong tàu đều đã thiệt mạng.
Thảo Nguyên (Theo CNN, Reuters)