Cuốn sách Hướng dẫn chợp mắt ''Ngủ ở Liên Hợp Quốc”, (''Dormir aux Nations Unies'') của Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc đã trở thành best seller như thế nào. Và tại sao phần lớn đại biểu chọn ngủ chợp mắt ngay tại chỗ ngồi trong phòng họp khi có thể.
|
Nhiều cuộc họp liên miên, kéo dài, phải tiến hành vào giờ trưa dưới dạng working lunch - ăn trưa làm việc, mất thời gian nghỉ ngơi quý giá. Đây là ăn trưa làm việc cấp Bộ trưởng các nước ADC. Ảnh VMQ. |
Có lẽ không có thời điểm nào tốt hơn lúc này, 01:00 đêm, khi mắt đã díp lại, để viết về chuyện ngủ thiệt và ngủ gật ở các phiên họp đa phương dài đằng đẵng nói chung và ở các phiên họp của Liên Hợp Quốc nói riêng.
Tôi không được làm chuyên về đối ngoại của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, nhưng cũng được tham gia nhiều vào các hội nghị đa phương, từ WTO đến UNCTAD, Không liên kết, và một hai lần được tháp tùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng tham dự các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, nơi mà một đồng nghiệp của tôi vừa over nap (ngủ chợp mắt ngay tại chỗ chứ không cần over night) trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước.
Tôi thật ghen tỵ với bạn ấy, mà không chỉ mình tôi, còn nhiều người nữa, nhiều đồng nghiệp Việt và nước ngoài tham dự các hội nghị đa phương ghen tỵ. Ai cũng đã từng "làm việc í" mà có phải ai cũng may mắn nổi tiếng thế đâu!
|
Lệch múi giờ, các cuộc họp triền miên và để tái tạo sức để họp thì kiểu ngủ over nap (ngủ chợp mắt ngay tại chỗ) được nhiều đại biểu lựa chọn. Trong ảnh là Hội nghị Bộ trưởng lần thứ nhất của các nước ủng hộ nhóm nước thu nhập trung bình mà Việt Nam tham dự. Ảnh VMQ. |
Tất nhiên, chúng ta phải thẳng thắn, thật thà nói với nhau, với tất cả danh dự quốc gia và danh dự của một con người, tốt nhất là mở to được đôi mắt long lanh, tỉnh như sáo trong suốt hàng chục tiếng họp liên miên, đừng đề các ống kính chộp được.
Tốt nhất ngay cả khi nghỉ giải lao, thì cố tìm một chỗ nào ở ngoài phòng họp mà “nap”. Tuy vậy, nói thì dễ, làm thì là nhiệm vụ bất khả thi. Tôi sẽ chia sẻ một hai kinh nghiệm để không ngủ gật khi họp hành lê thê kiệt sức cả Tây lẫn ta ở cuối bài viết này.
Lần gần nhất tôi tham dự các phiên họp ở Liên Hợp Quốc tại New York là tháng 9/2016. Lần đó tôi được vinh dự thay mặt Lãnh đạo làm trưởng đoàn Việt Nam tại một hai hội nghị cấp Bộ trưởng như Hội nghị các nước trung chuyển và không có đường ra biển, hay Hội nghị các nước thu nhập thấp, và Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức ACD.
Ngoại giao đa phương có nhiều điểm khác biệt lớn so với ngoại giao song phương. Có lẽ để dịp khác chia sẻ với các bạn chưa có nhiều cơ hội tham dự các hội nghị đa phương về ngoại giao đa phương.
|
Đây là Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe tại Đại hội đồng LHQ thứ 67 vào tháng 9/2012. Ảnh GETTY IMAGES. |
Đặc biệt đối với đoàn tham dự đa phương thì có nhiều ''kỹ năng sống sót" và nhiệm vụ khá khác biệt so với song phương. Chẳng hạn các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là ''canh'' các phiên, các diễn giả đại diện các nước và tổ chức có thể đề cập tới các vấn đề liên quan lợi ích của Việt Nam để ghi nhận hoặc kịp thời phản bác; tham gia ''làm văn tập thể'' - tức soạn thảo và duyệt sửa các văn kiện, cũng đặc biệt các nội dung, điều khoản liên quan lợi ích của ta; hoặc không trực tiếp liên quan nhưng ta cần thể hiện vai trò, hoặc có thể đóng góp cho lợi ích chung, hoặc hỗ trợ, ủng hộ bạn bè khi có thỏa thuận trước hoặc thấy cần thiết... Còn các vấn đề khác thì đôi khi vô cùng xa xôi, hoặc chắc chắn đã có người khác, nước khác có cùng quan điểm ''canh gác'' chặt chẽ rồi...
Lý do các nhà ngoại giao đa phương phải ưu tiên các vấn đề, các phiên như vậy, vì quá nhiều, quá dài... Mà lực lượng thì lại hạn chế, nhất là đoàn trong nước sang tiết kiệm ngân sách, lãnh đạo thường “vung dao” cắt không thương tiếc danh sách cán bộ do các đơn vị kiến nghị. Và đây không chỉ là kỹ năng sống còn của riêng đoàn Việt Nam mà của tất cả các đoàn không có ngoại lệ.
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng 'chợp mắt' trong buổi khai mạc Cuộc họp Á- Âu thứ 7 tại Bắc Kinh, 2008. Ảnh GETTY IMAGES. |
Do tất cả các cuộc họp đa phương, đặc biệt ở Liên Hợp Quốc, là một cuộc chạy marathon, lại có nhiều phiên song song - nhiều đường chạy cùng lúc, nên lực lượng các nước đều luôn phải dàn trải và có sự phân công rất kỹ càng, ai trực phiên nào, nghỉ lúc nào... và thường phải thay phiên nhau dự và nghỉ lấy sức.
Tệ nhất là vì thời gian ít, họp nhiều, nên nhiều phiên làm dưới hình thức working lunch, ăn trưa làm việc. Thế là mất toi giờ nghỉ trưa quý giá. Như một trong các bức ảnh kèm theo là tôi dự ăn trưa làm việc cấp Bộ trưởng các nước ADC.
Trong bối cảnh đó, ăn, đi vệ sinh và đặc biệt là ngủ là những vấn đề không kém phần quan trọng so với hòa bình thế giới. Chưa kể đi vệ sinh và vắng mặt ''vô tình'' ở những lúc then chốt như khi bỏ phiếu các nghị quyết mà một nước không muốn tỏ thái độ vì tế nhị, thì vắng mặt đi vệ sinh đúng lúc là một nhiệm vụ chính trị.
|
Một đại diện của Nhật Bản cũng ngủ trong Đại hội đồng LHQ thứ 60 hồi tháng 9/2005. Ảnh GETTY IMAGES. |
Nói riêng về ngủ. Tôi xin các bạn đừng ghen tỵ, chứ không đâu, không lúc nào có được giấc ngủ ngon như những phút chợp mắt tranh thủ giữa các bài phát biểu hay các phiên họp đa phương.
Đây còn là kỹ năng sinh tồn số một. Bạn buộc phải tỉnh táo, sắc sảo, nhanh nhạy và hùng biện, câu chữ chặt chẽ ở những thời khắc then chốt, khi thiên hạ bàn tới những vấn đề liên quan tới quyền lợi quốc gia sát sườn, mà thường thì sau nhiều giờ từ khi khai mạc mới bàn đến việc mà bạn quan tâm. Những phút được chợp mắt ngọt ngào quý giá sẽ giúp cho bạn khởi động lại bộ não mệt mỏi của mình.
|
Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng 'chợp mắt' khi tham dự một cuộc họp của hội đồng bảo an tại LHQ vào tháng 4/2008. Ảnh GETTY IMAGES. |
Chắc ít bạn biết, tìm được chỗ chợp mắt ở Trụ sở Liên Hợp Quốc khó khăn và mang tính cạnh tranh cao như thế nào, đến nỗi từ 18 năm trước đây, Ngài Alain Dejammet, Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc đã viết hẳn một bản hướng dẫn những chỗ có thể ngủ chợp mắt được trong tòa nhà toàn kính và thép này, và trở thành tác phẩm ăn khách bậc nhất ở Liên Hợp Quốc với tiêu đề "Ngủ ở Liên Hợp Quốc".
Ngủ cũng được đưa vào là một trong 10 điều kỳ thú ở Liên Hợp Quốc, với câu nổi tiếng, ''chỗ nào cũng có thể là chỗ chợp mắt được''. Tìm và tranh giành được chỗ bên ngoài phòng họp để ngủ khó như thế, nên phần lớn đại biểu chọn gục đầu tại chỗ ngay tại phòng họp bất cứ khi nào có thể. Tôi đã từng thử một chỗ tưởng rằng độc đáo thông minh, nhà vệ sinh. Nhưng không xong. Mùi thì OK, nhưng vài phút lại có người giật nắm đấm cửa. Bó tay.
Thôi tôi đi ngủ đây. À, kinh nghiệm không ngủ gật khi họp, một cô bạn người nước ngoài của tôi chia sẻ, hiệu quả nhất với cô ấy, là tưởng tượng đủ thứ về ông/bà đang phát biểu kia... thế là tỉnh cả ngủ.
Theo Vũ Quang Minh - Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia/VOV