"Màn tái đấu" giữa hai đối thủ
Hôm qua (24/4), cử tri tại Pháp đã đi bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2022-2027. Giống như tại cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hồi năm 2017, người dân nước này sẽ lựa chọn giữa hai ứng cử viên là ông Emmanuel Macron, hiện là Tổng thống mãn nhiệm và bà Marine Le Pen thuộc đảng cực hữu Tập hợp quốc gia.
|
Các lá phiếu giấy được bỏ trực tiếp và đếm thủ công tại mỗi cuộc bầu cử ở Pháp. Ảnh: AP. |
Ông Emmanuel Macron, người theo đường lối trung dung, hiện mong muốn trở thành Tổng thống đầu tiên của Pháp giữ hai nhiệm kỳ liên tục trong vòng 20 năm qua. Còn bà Marine Le Pen lại mong muốn lật ngược kịch bản 5 năm trước, để trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Pháp.
Các cuộc thăm dò cho thấy Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron có lợi thế trong cuộc đua vòng thứ hai này. Tuy nhiên, đảng cực hữu của bà Le Pen cũng đang tiến gần đến quyền lực. Đó là lý do tại sao cuộc bầu cử trở nên gay cấn từ đầu đến cuối.
Ông Macron tái đắc cử như dự đoán
Pháp sử dụng cùng một hệ thống bỏ phiếu trong nhiều thế hệ, yêu cầu cử tri phải trực tiếp bỏ phiếu bằng giấy hoặc qua người ủy quyền và sau đó đếm bằng tay.
Trong cuộc tái đấu với nữ đối thủ cực hữu năm nay, đương kim Tổng thống Macron được dự đoán có nhiều khả năng thắng lần nữa, do các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ông đang tạm dẫn trước bà Le Pen.
|
Tổng thống Pháp Macron tái đắc cử để lãnh đạo thêm 1 nhiệm kỳ. Ảnh: REUTERS. |
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ vào rạng sáng ngày 25/4 (giờ Việt Nam), ông Macron đã giành chiến thắng trong vòng 2 của bầu cử Tổng thống Pháp.
Theo đó, ông Macron đạt được 58,2% số phiếu, còn bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN) được số điểm 41,8%.
Ứng viên của đảng LREM trở thành tổng thống thứ 3 trong lịch sử Pháp đắc cử hai nhiệm kỳ, sau hai vị tiền nhiệm là Jacques Chirac (từ 1995-2007) và François Mitterrand (1981-1995). Mỗi nhiệm kỳ Tổng thống Pháp trước đây dài 7 năm, từ năm 2007 thì rút ngắn còn 5 năm.
Kết quả nói trên khá gần với các cuộc thăm dò giữa hai vòng bầu cử. Và những gì thể hiện trong cuộc tranh luận trực tiếp vào ngày 20/4 đã giúp ông Macron nới rộng cách biệt với bà Le Pen. Tỷ lệ cử tri không đến phòng phiếu lên đến hơn 28%.
Thảo Nguyên (Theo France24, Reuters)