Syria (2011)
|
Một chiến binh thuộc Quân đội Syria Tự do bắn đạn cối vào vị trí của quân đội chính phủ tại quân Izaa, thành phố Aleppo, Syria vào hôm 11.9.2012. Ảnh: AP. |
Vào tháng 3.2011, ảnh hưởng bởi phong trào Mùa xuân Ả Rập, nhiều thành phố của Syria đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình đòi lật đổ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad. Nhằm xoa dịu phe đối lập, Tổng thống Assad đã đưa ra nhiều cải cách lớn, bao gồm việc sửa đổi hiến pháp dựa trên đa nguyên chính trị cũng như cải cách về bầu cử Tổng thống, giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống.
Không thỏa mãn với sự nhượng bộ của chính phủ, phe đối lập - nhờ có vũ khí, hỗ trợ tài chính và chính trị của Mỹ và đồng minh - đã tiến hành một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp với chính phủ. Theo Sputnik, các nhà báo điều tra Mỹ sau này phát hiện ra rằng Bộ Ngoại giao Mỹ và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tiếp tục cung cấp vũ khí, xe cộ và “các thiết bị khác” cho phiến quân đối lập, bất chấp việc Washington biết rõ rằng các phần tử thánh chiến cực đoan, bao gồm cả phần tử khủng bố Al-Qaeda, đã lọt vào các nhóm đối lập này.
Vào giữa năm 2014, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) cực đoan đã nhảy vào cuộc xung đột, chiếm giữ phần lớn lãnh thổ Syria. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào năm 2016, từ khi IS xuất hiện, đã có ít nhất 400.000 người Syria thiệt mạng, hơn 12,5 triệu người bị mất nhà cửa và hầu hết cơ sở hạ tầng của nước này bị phá hủy.
Sau khi yêu cầu và được Quân đội Nga hỗ trợ, chính phủ Syria đã giải phóng được phần lớn lãnh thổ từ các nhóm phiến quân và khủng bố, tiêu diệt IS ở phía đông, giam chân các tay súng phiến quân còn lại ở một hang ổ nhỏ tại tỉnh Idlib của đất nước.
Cho dù nỗ lực lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad đã thất bại cả trên chiến trường lẫn mặt trận ngoại giao, Mỹ và đồng minh vẫn từ chối công nhận chính phủ Damascus hiện tại là hợp pháp, cũng như cung cấp viện trợ để tái thiết lại Cộng hòa Ả Rập.
Libya (2011)
|
Một tay súng phe nổi loạn chụp ảnh trước các xe tăng quân đội chính phủ bị bắn cháy bởi các máy bay NATO tại thị trấn Ajdabiya, Lybia vào hôm 26.3.2011. Ảnh: Patrick Baz. |
Lợi dụng sự lan rộng của Mùa xuân Ả Rập, Mỹ, Anh và Pháp đã nhắm vào Libya mà cụ thể là nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Vào mùa xuân năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cáo buộc cái gọi là “chính quyền tàn bạo” của ông Gaddafi đã “đánh mất sự tín nhiệm của nhân dân cũng như tính hợp pháp của chính mình. Ngay khi quân đội sắp sửa dập tắt được cuộc nổi loạn do phe đối lập khởi xướng, Washington cùng nhiều đồng minh trong khối NATO đã thực hiện một chiến dịch không kích nhằm vào quốc gia Bắc Phi.
Chiến dịch của NATO đã khiến chính phủ Libya sụp đổ, nhà lãnh đọa Gaddafi bị treo cổ, phe đối lập - bao gồm cả các phần tử Hồi giáo cực đoan - chiến thắng và giành chính quyền. Tuy nhiên, chiến thắng của NATO đã phải trả một cái giá quá đắt đỏ: hơn 10.000 người Libya đã thiệt mạng, hàng trăm ngàn người khác chạy khỏi đất nước, đất nước Bắc Phi rơi vào cảnh hỗn loạn với các phe phái tranh giành quyền lực,...
Trong khi Mỹ dường như “bình an vô sự”, các đồng minh châu Âu đã “dính đòn” ngay sau đó. Theo Sputnik, sau sự sụp đổ của chính phủ Gaddafi, Lybia đã trở thành điểm nóng trung chuyển của những băng nhóm buôn người, của những người tị nạn, dân di cư từ Trung Đông, châu Phi vào châu Âu. Tổng thống Obama sau đó đã phải thừa nhận rằng không thể giải quyết hậu quả tại Libya thời kỳ “hậu Gaddafi” là “sai lầm nghiêm trọng nhất” trong nhiệm kỳ của ông.
Ukraine (2014)
|
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về châu Âu và khu vực Á - Âu Victoria Nuland (áo xanh) cùng Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt (phải) gặp gỡ những người biểu tình Maidan. Ảnh: AP. |
Vào tháng 2.2014, sau nhiều tháng biểu tình trước quyết định hoãn ký kết một thỏa thuận đầy tranh cãi với Liên minh châu Âu (EU) của Tổng thống Viktor Yanukovich, theo Sputnik, Mỹ và đồng minh EU đã hậu thuẫn thành công một cuộc đảo chính tại thủ đô Kiev. Bằng chứng về việc Mỹ can thiệp vào tình hình Ukraine đã bị vạch trần ngay trong lúc cuộc khủng hoảng diễn ra tại quốc gia Đông Âu mà nổi bật nhất là cuộc gọi bị rò rỉ giữa Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland và Đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt trong vài tuần trước khi cuộc đảo chính diễn ra. Trong các cuộc điện thoại, Trợ lý Nuland và Đại sứ Pyatt đã thảo luận về việc thay thế ông Yanukovich - người được bầu làm Tổng thống Ukraine vào năm 2010 - bằng một nhóm các chính trị gia thân EU.
Ngay sau cuộc đảo chính, quốc gia Đông Âu này đã rơi vào một khủng hoảng mới khi một cuộc nội chiến nổ ra ở phía đông đất nước. Theo ước tính, đã có hơn 35.000 người thiệt mạng trong cuộc nội chiến, hàng trăm ngàn người ở khu vực Donbass đã phải ly tán tới Nga do tình hình bạo lực. Trong khi đó, tại phần còn lại của đất nước, khủng hoảng chính trị và kinh tế đã khiến hàng trăm ngàn người, chủ yếu là thanh niên trẻ, đã bỏ đi nước ngoài. Tính tới cuối năm 2018, dân số Ukraine chỉ còn 42 triệu người - giảm tới 3,5 triệu người so với năm 2013.
Tag: bất ổn chính trị Venezuela, khủng hoảng Venezuela, đảo chính, can thiệp quân sự, Mỹ, cuộc chiến Syria, khủng hoảng Ukraine, mùa xuân ả rập, Lybia, Gaddafi
Theo Tiểu Đào/Dân Việt