Sức mạnh kinh tế Triều Tiên sau hai thập kỷ chịu cấm vận

Google News

(Kiến Thức) - Các số liệu cho thấy nền kinh tế Triều Tiên dù khó khăn nhưng cũng có phần ổn định – bất kể đây có là sự ổn định mong manh hay ổn định không tăng trưởng thì nó vẫn có thể chống chịu được các tác động từ lệnh trừng phạt từ Mỹ

Là một quốc gia có cách thức vận hành kinh tế cực kỳ đặc biệt và gần như biệt lập hoàn toàn với nền kinh tế thế giới bên ngoài, Triều Tiên không biết tới khủng hoảng kinh tế là gì và dường như cũng chưa từng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế.
Để có được cái nhìn tường tận nhất về nền kinh tế Triều Tiên, đầu tiên cần phải xét tới tỷ giá của Won Triều Tiên (khác với đồng Won được dùng ở Hàn Quốc) với các đồng tiền khác trên thế giới.
Tỷ giá đồng Won và USD
Theo đó, tính tới đầu tháng 2/2019, 1 USD Mỹ tương đương với gần 8200 Won. Trước đó, vào giai đoạn cuối năm 2018 và đầu năm 2019 trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất diễn ra ở Singapore, đồng Won Triều Tiên đã có tỷ giá cao kỷ lục so với USD Mỹ do sức ép cấm vận từ Washington, chạm ngưỡng 8500 Won cho 1 USD.
Suc manh kinh te Trieu Tien sau hai thap ky chiu cam van
 Tỷ giá quy đổi giữa đồng Won với đồng USD Mỹ tại ba thành phố lớn nhất của Triều Tiên. Ảnh: Thediplomat.
Việc Triều Tiên chịu ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ đã giải toả được sức ép cho nền kinh tế nhỏ bé của quốc gia này, đưa tỷ giá về ngưỡng khoảng 8190 Won cho mỗi 1 USD. Dù chưa ngang bằng với mức tỷ giá trung bình trong quá khứ (khoảng 8136 Won cho mỗi USD) nhưng đây cũng là tín hiệu cực kỳ đáng mừng cho nền kinh tế của quốc gia này.
Mặc dù vậy, theo các báo cáo của tờ Daily NK, việc đổi ngoại tệ ở Triều Tiên là điều cực kỳ khó khăn và dù làm việc trực tiếp với ngân hàng nhà nước và không thể giao dịch ngoài trị trường "tự do" như một số nước, các công ty, tổ chức sản xuất, kinh doanh bán tư nhân vẫn cần phải trả tỷ giá cao hơn để có được ngoại tệ. Đây được xem là một trong nhưng trở ngại cho nền kinh tế của Triều Tiên và trở ngại này chỉ có thể khắc phục được nếu như Triều Tiên thoát được ra khỏi vòng cấm vận kinh tế của Mỹ.
An ninh lương thực của Triều Tiên
Gạo là loại lương thực quan trọng bậc nhất ở Triều Tiên và cũng là loại lương thực được “bình ổn giá” tốt nhất trong lịch sử nước này. Trong vài năm trở lại đây, bất chấp việc nền kinh tế bị phương Tây và Mỹ bóp nghẹt, giá gạo của Triều Tiên vẫn “vững như bàn thạch” và có biến động rất nhỏ. Trung bình, giá 1 kg gạo ở Triều Tiên giao động trong khoảng từ 4500 tới 5000 Won. Giá gạo mới nhất được ghi nhận lại ở quốc gia này vào tháng 2/2019 vào khoảng 4783 Won cho mỗi kg.
Suc manh kinh te Trieu Tien sau hai thap ky chiu cam van-Hinh-2
 Giá lương thực ở Triều Tiên kể từ cuối năm 2017 tới nay không có nhiều biến động. Ảnh: Thediplomat.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia đánh giá rằng khả năng tự cung ứng lương thực của Triều Tiên là rất mong manh do quốc gia này có khí hậu cực kỳ khắc nghiệt. Công nghệ trồng và thu hoạch lúa ở Triều Tiên trong nhiều chục năm trở lại đây gần như không có nhiều tiến bộ, khiến an ninh lương thực của nước này có thể bị ảnh hưởng nặng nếu thiên tai hoặc mất mùa diễn ra liên tục trong thời gian dài.
Ví dụ như vào năm 2018, Triều Tiên đã bị hạn hán nặng khiến sản lượng lương giảm mạnh, tuy nhiên chính phủ nước này vẫn xoay xở giữ ổn định giá lương thực thành công, tuy nhiên nếu năm 2019 này Triều Tiên tiếp tục bị hạn hán, sẽ rất khó để ổn định được an ninh lương thực của quốc gia này.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng phân bón do Triều Tiên tự sản xuất có chất lượng khá kém, việc bị bóp chặt cấm vận khiến nước này cũng khó nhập khẩu phân bón số lượng lớn từ nước ngoài, gây ảnh hưởng cho việc sản xuất nông nghiệp.
Nguồn cung khí đốt từ Trung Quốc
Giá khí đốt ở Triều Tiên dường như luôn giữ được sự ổn định bất chấp các lệnh trừng phạt ở nước ngoài, kể cả trong giai đoạn nước này bị trừng phạt gắt gao nhất vào cuối năm 2018 vừa rồi.
Mùa đông năm 2017, giá khí đốt ở Triều Tiên đã tăng vọt lên 25.000 Won cho mỗi kg, cao gấp đôi trung bình các năm khác. Tuy nhiên tới năm 2018, mỗi kg khí đốt của Triều Tiên đã có giá chỉ còn 15.200 Won – gần bằng con số trung bình các năm trước đó. Các báo cáo mới nhất cho biết giá khí đốt ở Triều Tiên thậm chí còn đang tiếp tục giảm, có thể chỉ còn khoảng 13.750 Won cho mỗi kg trong tuần vừa rồi.
Suc manh kinh te Trieu Tien sau hai thap ky chiu cam van-Hinh-3
 Giá khí đốt giai đoạn đầu và cuối năm 2018 là gần như tương đương nhau, không có nhiều biến động. Vào mùa hè, giá khí đốt giảm cùng nhu cầu sử dụng. Ảnh: Thediplomat.
Phần lớn khí đốt của Triều Tiên được nước này nhập khẩu từ Trung Quốc và có vẻ như sự hạ nhiệt căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên đã khiến các công ty của Trung Quốc thoải mái hơn trong việc bán khí đốt cho Bình Nhưỡng, góp phần không nhỏ vào việc giảm giá thành của loại nhiên liệu này.
Dự trữ ngoại tệ
Đây là một thông tin cực kỳ hiếm hoi nhưng cũng rất quan trọng khi đánh giá một nền kinh tế của quốc gia. Mặc dù vậy thực tế đã chứng minh nền kinh tế của Triều Tiên không dễ bị khuất phục dù bị đè nén bởi trừng phát rất nặng nề.
Hồi đầu năm 2018, nhiều chính khách của Hàn Quốc đã cho rằng dưới áp lực trừng phạt nặng nề, Triều Tiên sẽ sớm hết dự trữ ngoại tệ. Tuy nhiên điều đó chưa bao giờ xảy ra, chứng tỏ Triều Tiên hoàn toàn có chuẩn bị rất tốt về mặt kinh tế trước khi bị cả thế giới cấm vận.
Tuy vậy vẫn có thể khẳng định việc thiếu ngoại tệ chắc chắn đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế của quốc gia này.
Tổng kết
Tựu chung lại, các số liệu cho thấy nền kinh tế Triều Tiên dù khó khăn nhưng cũng có phần ổn định – bất kể đây có là sự ổn định mong manh hay ổn định không tăng trưởng thì hiện tại, kinh tế Triều Tiên vẫn được coi là ổn định.
Nếu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sắp diễn ra ở Hà Nội có cái kết tốt đẹp khi các bên tham gia tìm được tiếng nói chung, rất có thể nền kinh tế của Triều Tiên sẽ sớm có được những bước nhảy vọt trong tương lai vì đây vốn dĩ là một quốc gia có khá nhiều tài nguyên và một thị trường tiêu thụ cực kỳ rộng lớn chưa được khai phá hết.

Mời độc giả xem Video: Triều Tiên phá huỷ các bãi thử vũ khí hạt nhân của nước này.


Tuấn Anh