Và bí mật về sự sống sót kỳ lạ của gia đình nghệ sĩ lùn Ovitz chỉ được làm sáng tỏ bởi hai nhà báo người Israel là Yehuda Koren và Eilat Negev sau nhiều năm tiếp cận với hồ sơ lưu trữ về tội ác của Josef Mengele và những cuộc gặp gỡ với Perla Ovitz, người sống sót cuối cùng của gia đình nghệ sĩ lùn Ovitz. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày trại tập trung Auschwitz được Hồng quân Liên Xô giải phóng (18/1/1945 - 18/1/2005), tạp chí "Le Nouvel Observateur" của Pháp đã cho đăng một bài viết với tựa đề “Số phận của bảy nghệ sĩ lùn tại trại tập trung Auschwitz”.
7 anh em gia đình nghệ sĩ lùn Ovitz tại một trại tạm cư ở thành phố Haifa của Israel vào năm 1949.
Vào tháng 12/1868, Shimshon Ovitz sinh ra đã mắc chứng lùn bẩm sinh trong một gia đình người Roumanie gốc Do Thái ở làng Rozavlea thuộc vùng Transylvanie. Không mặc cảm bởi khiếm khuyết cơ thể, và có khiếu về âm nhạc và hài hước, Shimshon quyết định biến sự thiệt thòi về hình thể của mình thành một lợi thế để mưu sinh. Với bộ lễ phục màu đen, chiếc mũ quả dưa và một cây gậy trên tay, Shimshon có mặt trong tất cả các buổi lễ hội, đám cưới để ca hát và pha trò mua vui cho mọi người. Dần dần tên tuổi của người nghệ sĩ lùn Shimshon Ovitz vang lừng khắp vùng Transylvanie.
Theo thời gian, Shimshon đã hai lần lập gia đình và có tất cả 10 người con, trong đó có ba người phát triển bình thường nhưng lại chết sớm, còn bảy người còn lại đều mắc chứng lùn bẩm sinh như cha. Đó cũng là gia đình của những người lùn đông nhất thế giới. Giống cha, bảy anh chị em lùn của dòng họ Ovitz cũng trở thành nghệ sĩ và cũng nổi tiếng khắp vùng Transylvanie.
Năm 1923, ông lão Shimshon qua đời. 7 năm sau, trước khi nhắm mắt, vợ của Shimshon đã trăng trối lại với các con rằng: “Các con phải luôn sống bên nhau cho dù có xảy ra bất cứ điều gì”. Nhớ lời dặn dò của mẹ, 7 anh chị em của gia đình nghệ sĩ lùn Ovitz cùng nhau mưu sinh bằng tài năng nghệ thuật của mình, cùng sống chung hòa thuận dưới một mái nhà và hết mực thương yêu nhau.
Vào ngày 30/8/1940, chính quyền Hungarie thân phát xít xua quân xâm chiếm vùng Transylvanie của Roumania và sáp nhập vào lãnh thổ Hungaria, gây nên cảnh ly tán cho không biết bao gia đình. Đến tháng 6/1944, sau một thời gian dài bị lùng sục, sàng lọc, có đến 400.000 người Roumania gốc Do Thái sinh sống tại vùng Transylvanie bị bắt giữ rồi đưa đến tại tập trung tử thần Auschwitz, trong đó có 7 anh em gia đình nghệ sĩ lùn Ovitz.
Sự xuất hiện của những người lùn thuộc gia đình Ovitz tại Auschwitz đã kích thích sự tò mò của Josef Mengele nên hắn liền ra lệnh đưa họ đến giam giữ tại một nơi đặc biệt thay vì bị hành hạ rồi xua vào các phòng hơi ngạt như nhiều người Do Thái khác.
Vào thời kỳ đó, nhiệm vụ của tên bác sĩ “điên” Josef Mengele tại trại tập trung Auschwitz là tiến hành các thử nghiệm và nghiên cứu y học trên cơ thể của người sống như lấy tủy, cắt các bộ phận cơ thể, tiêm các loại vi trùng gây mầm bệnh... Đương nhiên 7 anh em của gia đình nghệ sĩ lùn Ovitz cũng trở thành đối tượng thử nghiệm, nghiên cứu của Josef Mengele.
Trong phòng thí nghiệm của hắn ở khu 10 trại Auschwitz, Josef Mengele tiến hành cho chụp hình, chụp X. quang dưới mọi góc độ, nhổ răng, tóc, lông mày, lông mi và đặt vô số câu hỏi về cuộc sống, trạng thái tâm lý và cả về vấn đề sinh lý của họ rồi lưu trữ thành một hồ sơ nghiên cứu dày đến hàng trăm trang. Có điều Josef Mengele lại không giết họ để tiến hành phân tích tử thi!
Vào tháng 1/1945, trước khi trại Auschwitz được Hồng quân Liên Xô giải phóng, Josef Mengele kịp đào thoát về Berlin và mang theo hồ sơ mà hắn cất công nghiên cứu về gia đình nghệ sĩ lùn Ovitz. Sau khi Đức Quốc xã bại trận, Josef Mengele bí mật đào thoát đến trú thân tại Argentina, đổi họ tên, mở một cửa hàng bán đồ chơi để mưu sinh cho đến khi người ta phát hiện hắn chết đuối trong một hồ bơi mà không rõ nguyên nhân vì sao.
Sau khi trại Auschwitz được giải phóng, gia đình nghệ sĩ lùn Ovitz mong muốn được đến sinh sống tại Liên Xô và được chấp nhận. Năm 1949, khi nhà nước Do Thái được thành lập ở Trung Đông, họ lại được phép trở về quê hương mới rồi tiếp tục hành nghề múa hát mua vui cho mọi người đến cuối đời.
Năm 1995, hai nhà báo Yehuda Koren và Eilat Negev trong một lần đến thành phố Haifa ở miền Nam Israel để phỏng vấn các cựu tù nhân của Đức Quốc xã trong các trại tập trung thời Thế chiến II, đã tìm gặp bà Perla Ovitz, người em gái út trong số bảy anh chị em, còn sống sót đến lúc đó.
Dựa vào lời kể của bà Perla Ovitz và việc tham khảo các hồ sơ tài liệu có liên quan đến các chương trình nghiên cứu trên cơ thể người của Josef Mengele được lưu trữ tại Nga, Pháp, Đức và Mỹ mà hai nhà báo Yehuda Koren và Eilat Negev đã biết rằng, việc cất công nghiên cứu về những người lùn trong gia đình Ovitz nằm trong một chương trình nghiên cứu về di truyền của chủ nghĩa Quốc xã là phải tìm cho bằng được những bằng chứng chứng minh những điểm tồi tệ của các nòi giống khác so với nòi giống Aryan ưu việt của người Đức.
Ý đồ của Josef Mengele, khi duy trì mạng sống của 7 anh em nhà Ovitz là muốn chứng minh cho mọi người biết rằng, những người lùn này là kết quả của sự thoái hóa tồi tệ của nòi giống Do Thái. Ý tưởng điên khùng của tên "bác sĩ tử thần" lại chính là sự sắp đặt số phận may mắn cho 7 anh em tài hoa ấy.
Theo Văn Hòa/An Ninh Thế Giới