Trước đây, ngay cả vào một ngày tốt lành, danh xưng tốt nhất tổng thống Mỹ có thể nhận được là "Trump". Không có dấu hiệu của sự tôn trọng. Giờ đây, ông được gọi là "tổng thống Mỹ" hoặc "Tổng thống Donald J. Trump". Thậm chí là "lãnh đạo tối cao".
Việc người dân Triều Tiên chính thức thay đổi cái nhìn về ông Trump sau hội nghị thượng đỉnh cho thấy chính quyền Bình Nhưỡng rất cẩn thận trong việc hướng người dân từ việc ghét bỏ và hồ nghi "đế quốc Mỹ" đến bắt kịp những thay đổi trong mối quan hệ với Washington.
Ngày 14/6, hai ngày sau sự kiện, một ngày sau khi ông Kim Jong Un trở về thủ đô, truyền hình nhà nước Triều Tiên mới phát sóng những video và hình ảnh đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh. Thời gian chậm trễ cho thấy Bình Nhưỡng đã rất cẩn thận suy xét mới cho ra sản phẩm truyền thông cuối cùng.
Tất nhiên ông Kim vẫn là nhân vật chính. Trong chương trình dài 42 phút, ông Trump và cái bắt tay nổi tiếng giữa hai nhà lãnh đạo chỉ bắt đầu xuất hiện vào gần phút thứ 20.
|
Người Triều Tiên đọc báo viết về hội nghị thượng đỉnh hôm 12/6. Ảnh: AP.
|
Biên tập kỹ càng
Trên nền giọng sang sảng như cất tiếng hát của "Quý bà áo hồng", phát thanh viên nổi tiếng nhất ở Triều Tiên, chương trình mô tả ông Kim là một nhà chính trị sắc sảo, tài không đợi tuổi, tự tin và lịch thiệp, hay cười nhưng mạnh mẽ trong chỉ đạo. Chương trình phát hình ảnh ông Trump, một người Mỹ hơn gấp đôi tuổi ông Kim, nghiêng mình về phía nhà lãnh đạo Triều Tiên để bắt tay, hoặc giơ ngón cái, rồi cùng đi bộ vài bước để cùng dùng bữa trưa.
Chương trình cũng ghi lại một khoảnh khắc ngượng ngùng của tổng thống Mỹ khi ông vươn tay ra để bắt tay một sĩ quan quân đội Triều Tiên, nhưng sĩ quan này lại chào ông theo kiểu nhà binh. Ông Trump chào lại tương tự viên sĩ quan rồi hai người mới bắt tay nhau. Trong một cảnh khác, thay vì dùng tay, ông chủ Nhà Trắng di chuyển ghế bằng chân.
Trước khi cho thấy hình ảnh ông Trump và ông Kim ký tuyên bố chung, phát thanh viên cho biết Trump không quên mời Kim Jong Un xem nội thất chiếc limousine Cadillac bọc thép của mình, và bổ sung rằng chiếc xe vẫn được người Mỹ gọi là "Mãnh thú". "Quý bà áo hồng" cũng gọi ông Trump và ông Kim và "hai nhà lãnh đạo tối cao" của hai đất nước.
Bản tin dày dặn về chuyến đi của Kim Jong Un đến Singapore được trình bày như một bộ phim tài liệu, bắt đầu với tấm thảm đỏ trải lên một máy bay Air China tại sân bay Bình Nhưỡng. Tiếp theo là video đoàn xe của ông Kim đang trên đường đến khách sạn St. Regis ở Singapore trong khi công chúng vẫy tay với ông như đón chào một ngôi sao nhạc rock, rồi đến chuyến thăm thú Singapore buổi tối muộn của ông Kim vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh.
|
Ông Trump và sĩ quan quân đội Triều Tiên có khoảnh khắc không hiểu ý nhau. Ảnh: KCNA/NBC News.
|
Theo AP, cách truyền thông nhà nước Triều Tiên nói về hội nghị thượng đỉnh và Trump là cực kỳ quan trọng, bởi nó mang lại cho người dân Triều Tiên, vốn hạn chế trong quyền truy cập vào các nguồn tin tức khác, không chỉ thông tin về những gì đang diễn ra mà còn về cách chính phủ mong đợi họ phản hồi.
Đối với người dân Triều Tiên, mật độ phủ sóng về những hoạt động ngoại giao của ông Kim trong năm nay dường như không có gì đáng ngạc nhiên.
Sau khi cử một phái đoàn cấp cao bao gồm em gái của mình đến Olympics Mùa đông ở Hàn Quốc hồi tháng 2, Kim Jong Un đã hai lần gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tất cả những cuộc họp này đều được đưa lên trang nhất và mọi bản tin, dù thường mất một ngày sau sự kiện, để đảm bảo giọng điệu phù hợp và hình ảnh có ý nghĩa mạnh mẽ nhất có thể.
Chờ tập phim kế tiếp
Ngay trước hội nghị thượng đỉnh, truyền thông Triều Tiên dịu giọng để không làm hỏng bầu không khí khi ông Kim chuẩn bị thảo luận cùng nhà lãnh đạo của quốc gia mà Bình Nhưỡng đã chỉ trích thậm tệ trong nhiều thập kỷ.
Truyền thông Triều Tiên tự vệ trước những lời bình luận khó nghe của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, cũng như các "giá trị tư bản", nhưng hạn chế tối đa nhắc trực tiếp đến ông Trump.
Bolton, người khiến Bình Nhưỡng tức giận kể từ khi ông phục vụ trong chính quyền George W. Bush, đã được giới thiệu trong chương trình hôm 14/6 của truyền thông Triều Tiên. Bản tin cũng cho thấy ông này đang bắt tay nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
|
Hai nhà lãnh đạo thân thiện trong cuộc gặp hôm 12/6. Ảnh: PA.
|
Ý nghĩa của điều này trong tương lai là một vấn đề phức tạp.
Triều Tiên vẫn đề cập sự cởi mở ngoại giao đột ngột với các nước láng giềng và Washington như một bước hợp lý tiếp theo cho kế hoạch của ông Kim Jong Un.
Luận điểm này được tái khẳng định trong các bản tin ngày 14/6. Bình Nhưỡng nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán với Trump tập trung vào việc tạo ra mối quan hệ phù hợp hơn theo thời thế, mong muốn tạo ra một cơ chế để đảm bảo hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên, và cuối cùng, phi hạt nhân hóa.
Dù các bản tin có sắc thái tôn trọng đối với Trump, vẫn còn nơi Bình Nhưỡng sự thận trọng rõ ràng.
Kim Jong Un vẫn là anh hùng trong câu chuyện của Bình Nhưỡng. Còn ông Trump song hành với ông Kim hay một lần nữa trở thành nhân vật phản diện, đó lại là diễn biến của một tập phim khác.
Theo Hoa Hạ/Zing